Theo tờ Space, hình ảnh được chụp trong chuyến bay thứ 51 của tàu Juno quanh Sao Mộc. Trong chuyến đi này, Juno đã đến gần mặt trăng núi lửa Io của Sao Mộc hơn bao giờ hết - với khoảng cách chỉ 35.500 km - và chụp được những hình ảnh rõ nét nhất về nó.
Lửa đỏ bùng nổ khắp Io trong hình ảnh của JIRAM - Ảnh: NASA
Tuyên bố của NASA cho biết vẻ ngoài đôi khi yên tĩnh của hành tinh này là một cú lừa lớn. Nó không chỉ liên tục hoạt động núi lửa, mà còn là thiên thể có nhiều núi lửa nhất trong hệ Mặt Trời dù nhỏ hơn hành tinh của chúng ta nhiều.
Một số hình ảnh chi tiết được thiết bị chụp ảnh ánh sáng khả kiến JunoCam của tàu Juno ghi lại cho thấy bề mặt màu đỏ của Io khi nhìn từ xa là do các núi lửa đang bốc cháy.
Những bức ảnh chụp bằng hồng ngoại bởi thiết bị JIRAM của tàu vũ trụ này thì cho thấy rõ ràng những "điểm nóng" dày đặc trên mặt trăng.
Io dưới ánh sáng khả kiến - Ảnh: NASA
"Bằng cách quan sát nó theo thời gian trong nhiều lần Juno đi qua, chúng ta có thể xem các núi lửa khác nhau như thế nào - tần suất chúng phun trào, độ sáng và độ nóng, liệu chúng có liên kết thành nhóm hay đơn lẻ và liệu hình dạng của dung nham có thay đổi hay không" - trưởng nhóm điều hành Juno Scott Bolton cho biết.
Gọi Io là "mặt trăng bị tra tấn" vì các nghiên cứu của NASA cho thấy hoạt động núi lửa thảm khốc này chính là do tác động cực mạnh của lực thủy triều từ hành tinh mẹ khổng lồ của nó và cả các mặt trăng khổng lồ khác.
Sao Mộc đã bóp méo mặt trăng này theo nghĩa đen, chưa kể nó còn lọt trong một "trò chơi kéo co" tử thần bởi lực hấp dẫn từ các mặt trăng Sao Mộc khổng lồ khác như Europa và Ganymede cũng rất mạnh.
Tất cả các lực liên tục giằng xé Io đã khiến bề mặt của mặt trăng lồi lõm một cách bất thường và hoạt động bên trong cũng trở nên đầy cuồng nộ.