Một tiểu hành tinh đã nổ tung khi lao xuống Caribe ngày 22/7 với vận tốc 14,9 km/giây. Không một cảnh báo nào được đưa ra trước khi vụ việc xảy ra.
|
Tiểu hành tinh MO 2019 kích thước 3m vừa vỡ vụn trên bầu trời Caribe. Ảnh minh họa |
Trang tin Mashable hôm 7/9 cho biết, thiên thể được đặt tên 2019 MO có bề ngang khoảng 3m và nổ tung trên bầu trời Caribe khi lao qua khí quyển Trái Đất vào ngày 29/6.
Nhà khoa học Davide Farnocchia của Trung tâm Các vật thể gần Trái Đất thuộc NASA cho biết, thiên thể cỡ này sẽ bị phá hủy trong quá trình xuyên qua khí quyển của địa cầu.
Thông báo này được đưa ra sau khi NASA phát hiện tiểu hành tinh này ở khoảng 480.000km. Dù khoảng cách có vẻ rất lớn nhưng thiên thể khi đó đang di chuyển với tốc độ 14,9km/s tức hơn 53.000 km/h.
NASA cho biết, việc tìm kiếm tiểu hành tinh này rất khó khăn, một phần do kích thước của nó. Tại thời điểm thấy được MO 2019, nó chỉ tương tự kích thước của con muỗi ở cách đó 500km. Phát hiện ra MO 2019 là do NASA đã sử dụng kính viễn vọng quan sát ATLAS, đặt tại Đại học Hawaii, Mỹ.
Trong bình luận của mình, nhà khoa học Davide Farnocchia giải thích lý do tại sao thiên thể được xác định muộn như vậy là do kích thước của nó.
"Các tiểu hành tinh có kích thước nhỏ hơn nhiều so với những gì chúng ta phải theo dõi. Chúng rất nhỏ và không thể đủ gây ra thiệt hại sau khi đi vào bầu khí quyển của chúng ta" - ông Farnocchia cho biết.
Tuy nhiên, việc đánh giá một tiểu hành tinh nhỏ hay không gây ảnh hưởng tới Trái Đất không có một chỉ tiêu nào để đo lường.
Một tiểu hành tinh nhỏ cũng có thể gây ra thiệt hại. Vào năm 2013, một tiểu hành tinh có kích thước của tòa nhà 6 tầng đã phát nổ khi đi vào bầu khí quyền và các mảnh vụ của nó đã rơi xuống Thành phố Chelyabinsk, Nga. Hậu quả là 1.200 người bị thương và khoảng 7.000 ngôi nhà và tòa nhà bị hư hại. Phần lớn thương tích gây ra bởi mảnh kính bắn ra từ các cửa sổ vỡ do sóng xung kích.
Dù có lý do về kích thước, NASA cũng khó có thể lý giải về khả năng ứng phó của họ trước một tiểu hành tinh có thể tiếp cận Trái Đất.
Trước đó, giới khoa học Mỹ đã tuyên bố về khả năng nghiên cứu vũ khí nguyên tử để bắn hạ các tiểu hành tinh đang trên đường lao tới Trái Đất.
Theo đó, các nhà khoa học Mỹ muốn sử dụng một số phi thuyền robot có tên gọi HAMMER, với trọng lượng 8,8 tấn để lao đến tiểu hành tinh đang di chuyển trong không gian có thể gây hại cho Trái Đất để tạo lực đẩy bật thiên thể khỏi hành trình này. Nếu đối tượng quá lớn và không xử lý được bằng biện pháp trên thì HAMMER có thể được trang bị vũ khí nguyên tử để bắn hạ đối tượng.
HAMMER là một phần của dự án lớn hơn đang được NASA và Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia của Mỹ hợp tác nghiên cứu nhằm chọn lọc những phương án khả thi để chống lại sự đe dọa của các vật thể gần Trái Đất (NEO).
Để rút ra kết luận trên và hoàn thiện thiết kế HAMMER, nhóm chuyên gia chọn ra mô hình có thật: Chuyện gì xảy ra nếu tiểu hành tinh Bennu, bề ngang 500m, đâm trực diện vào Trái Đất. Theo tính toán, xác suất Bennu va chạm với Trái Đất được dự đoán là 1:2.700 vào ngày 21/9/2135.
|
Hình ảnh mô phỏng sứ mệnh tiếp cận Bennu. Ảnh: NASA |
Tiểu hành tinh này cũng là điểm đến của sứ mệnh do NASA triển khai, trong nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc sự sống ngoài vũ trụ và vai trò của các tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời.
Charles El Mir, nhà nghiên cứu từ Khoa Cơ khí của Đại học Johns Hopkins nhận định, việc thổi bay bất kỳ tiểu hành tinh nào trong quá trình nó chuẩn bị va chạm với Trái Đất không hề đơn giản.
"Chúng tôi từng tin rằng vật thể càng lớn thì càng dễ vỡ, bởi vì những vật thể lớn hơn có nhiều khả năng có sai sót. Tuy nhiên, những phát hiện của chúng tôi cho thấy các tiểu hành tinh mạnh hơn chúng ta từng nghĩ và cần nhiều năng lượng hơn để khiến chúng hoàn toàn tan vỡ." - ông Charles El Mir nhận định.
Để cho ra kết quả này, các nhà khoa học đã sử dụng một mô hình máy tính để tính toán lượng năng lượng cần thiết để phá hủy một tiểu hành tinh và phá vỡ nó thành từng mảnh.
Mô hình cho thấy, ngay sau khi một tiểu hành tinh bị bắn trúng, một miệng hố và hàng triệu vết nứt lan rộng khắp tảng đá vũ trụ, khiến các phần của nó chảy như cát.
Tuy nhiên, thay vì vỡ ra, tiểu hành tinh bị tác động chỉ còn lại một lõi bị hư hỏng lớn, sau đó tạo ra lực hấp dẫn mạnh mẽ trên các mảnh vỡ.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng kết quả cuối cùng của tác động không chỉ là một "đống đổ nát" mà là một tập hợp các mảnh vỡ được giữ lỏng lẻo với nhau bởi trọng lực.
Thay vào đó, tiểu hành tinh bị tác động vẫn giữ được sức mạnh đáng kể vì nó chưa bị nứt hoàn toàn. Điều này cho thấy sẽ cần nhiều năng lượng hơn để phá hủy các tiểu hành tinh.