Theo nghiên cứu vừa công bố trên Scientific Reports và dẫn lại bởi Nature, nhà nghiên cứu Igor Djakovic từ Trường Đại học Leiden - Hà Lan cho biết nhóm của ông đã lần theo dấu vết của người Homo sapiens và Neanderthals cổ đại để tìm hiểu xem hai loài này đã thực sự hòa nhập ở đâu khi nào, tại những khu vực cụ thể nào.
Homo sapiens chính là loài chúng ta - người hiện đại hay còn gọi là người tinh khôn - trong khi Neanderthals là loài người khác đã tuyệt chủng. Cả 2 loài đều thuộc chị Người (Homo) và có những bằng chứng từ bộ gien cộng đồng hiện đại cho thấy có nhiều cuộc hôn phối dị chủng đã xảy ra.
Hang Mandrin ở Pháp, một trong những hang động nổi tiếng vì tàn tích của cả 2 loài người Neanderthals và Homo sapiens
Nghiên cứu mới đã chỉ ra 17 "xưởng sản xuất" nhưng con người lai bí ẩn đầu tiên, là 17 địa điểm định cư hang động trên khắp nước Pháp và miền Bắc Tây Ban Nha, nơi tàn tích của cả 2 loài cùng xuất hiện.
Theo The Guardian, kết quả giám định niên đại dựa trên đồng vị carbon phóng xạ của 56 hiện vật tiết lộ 2 cộng đồng người này đã có thời gian "chồng lấn" khoảng 1.400-2.000 năm, thời gian mà họ có thể đã chia sẻ với nhau nền văn minh và chia sẻ cả dòng máu.
Cụ thể, người Neanderthals ở đây đã tuyệt chủng từ khoảng 40.870 - 40.457 năm về trước, trong khi Homo sapiens xuất hiện khoảng 42.500 năm trước.
Những đồ tạo tác bao gồm những con dao Neanderthals bằng đá và xương cuối cùng trên Trái Đất, kho báu vô giá để chúng ta hiểu thêm về những vị tổ tiên dị chủng.
Những hiện vật này cho thấy sự "lan tỏa ý tưởng" giữa 2 loài người trong việc sáng tạo ra các công cụ và đồ trang trí: Chúng ngày càng giống công cụ của Homo sapiens "thuần chủng".
Với những thay đổi trong văn hóa và cả bằng chứng trong gien của chính chúng ta, các tác giả nhấn mạnh kết quả này có thể củng cố thêm lý thuyết hàng đầu cho sự kết thúc của người Neanderthals: Giao phối với con người.
"Việc lai tạo với một cộng đồng dân số lớn hơn có thể có nghĩa là theo thời gian, người Neanderthals bị "nuốt chửng" một cách hiệu quả vào nguồn gien của chúng ta" - tiến sĩ Djakovic cho biết.
"Khi bạn kết hợp điều đó với những gì chúng ta biết bây giờ - rằng hầu hết mọi người sống trên Trái Đất đều có DNA của người Neanderthals - bạn có thể đưa ra lập luận rằng họ chưa bao giờ thực sự tuyệt chủng, theo một nghĩa nào đó" - các tác giả phân tích.
Trước đó, những nghiên cứu của nhà di truyền học tiến hóa Thụy Điển Svante Paabo, người đoạt giải Nobel Y học tuần trước, đã giúp tiết lộ rằng hầu như tất cả mọi người trên toàn thế giới, nhất là người gốc Âu, có một tỷ lệ nhỏ DNA của người Neanderthal.