Lý giải cồn cát lạ như đảo "khủng long" ở biển Cửa Đại

Google News

Đảo cát là hiện tượng tự nhiên bình thường tại các cửa sông mà bên trong có phù sa nhiều. Cồn cát lạ ở biển Cửa Đại cũng không ngoại lệ.

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) vừa giới thiệu kết quả nghiên cứu cồn cát lạ ở biển Cửa Đại - Hội An của GS.TSKH Nguyễn Kim Đan và PGS.TS Huỳnh Công Hoài.

Trong nghiên cứu này, hai tác giả chỉ ra nhiều tiện ích mà cồn cát Cửa Đại (hay còn gọi là đảo "khủng long" như trong nghiên cứu - PV), đó là làm nhiệm vụ như một đê chắn sóng, giúp giảm thiểu năng lượng sóng vào bờ, giảm xói lở; là nguồn dự trữ cát dùng cho nuôi bãi từ Cửa Đại đến An Bàng.

Năm 1988, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận từng xuất hiện một đảo cát gần bờ hơn đảo “khủng long” bây giờ, với kích thước lớn gấp 4 lần và lệch về hướng Bắc.

Đảo này dịch chuyển dần và nhập dính vào bờ năm 1991 cùng lúc với một cửa sông mới hình thành do một trận lũ tại vị trí khu du lịch Victoria hiện nay.

Đến năm 1998, xem như đảo cát này là đất liền và mũi của đảo cát chính là cồn dương liễu bây giờ. Về cơ chế hình thành đảo cát năm 1988 và đảo “khủng long” bây giờ cơ bản giống nhau và cũng là hiện tượng tự nhiên bình thường tại các cửa sông mà bên trong có phù sa nhiều.

Sự tương tác của dòng chảy mang phù sa từ sông đổ ra biển, sự dịch chuyển của dòng chảy mang trầm tích ven bờ và chế độ sóng, thủy triều theo mùa từ bên ngoài vào tạo thành một “điểm dừng”, bồi tụ dần qua năm tháng hình thành bãi ngầm ngay trước cửa sông.

Ly giai con cat la nhu dao

Cồn cát trên biển Cửa Đại

Vị trí cách đất liền xa hay gần phụ thuộc vào lưu tốc các dòng chảy và trường sóng. Lâu dần bãi ngầm nhô cao, vào mùa triều kiệt nước rút xuống và gió vun cát lên thành bãi nổi. Bãi nổi này không đứng yên mà dịch chuyển về hướng Tây Bắc hoặc Tây Nam tùy vào đặc điểm động lực học cửa sông, ven biển.

Mời quý vị xem video: Top 5 hòn đảo đẹp nhất Phú Quốc

Đối với đảo “khủng long”, trận lũ cuối năm 2016 mở ra một cửa thoát rộng 50m bên bờ bắc Cửa Đại làm tăng lượng bùn cát chuyển lên phía Bắc. Nhờ vậy, bãi biển Cửa Đại bắt đầu được bồi đáng kể sau năm 2016. Điều này giải thích tại sao đảo "khủng long" chỉ có thể hình thành sau năm 2016.

Dưới ảnh hưởng của đặc trưng dòng chảy ven bờ, vào mùa gió đông bắc, lượng cát tăng thêm này bị đẩy ngược ra biển với nồng độ lớn, lại tập trung tại đúng vị trí đảo "khủng long" hiện nay. Mùa gió Tây Nam, theo tính toán của các nhà nghiên cứu, cũng đẩy cát ra biển tại cùng vị trí. Đảo "khủng long" hình thành do nguyên nhân này và lượng cát tích lũy hàng năm tại vị trí này có thể tới 200.000-250.000 m3.

Đến khoảng tháng 2/2018, cồn cát bắt đầu nhô lên trên mặt nước và phát triển lớn dần. Tốc độ bồi nhanh từ tháng 2/2019 (sau Tết Âm lịch).

Trong nghiên cứu của mình, hai tác giả kiến nghị đào sâu và mở rộng kênh phía bắc Cửa Đại nhằm mang nhiều cát hơn lên phía Bắc và củng cố đảo "khủng long", tạo nguồn dự trữ cát cho Hội An và tỉnh Quảng Nam. UBND tỉnh Quảng Nam có thể nghiên cứu cho phép khai thác cát tại đây khi nghiêm cấm khai thác bên trong hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn.

Ngay sau khi có thông tin về đảo cát, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã chỉ đạo Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên phối hợp Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, Đồn Biên phòng Cửa Đại khảo sát thực tế tại đảo cát ngày 31/3/2019.

Hiện trạng đảo cát như sau: Tổng diện tích khoảng 15ha; chiều dài (2 điểm xa nhất): 1, 043m; chiều rộng lớn nhất 200m; chiều cao trung bình (ước tính) so với mặt nước biển: 2,0m; chiều cao lớn nhất so với mặt nước biển khoảng 3,0m. Khoảng cách gần nhất với đất liền khoảng 1.396m. Xu thế hiện nay tiếp tục bồi về phía Nam và lấn vào bờ Nam Cửa Đại thuộc khu vực xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên.

Tính đến 17/6/2019, Tổng cục Phòng chống thiên tai triển khai khảo sát lần 8 tại khu vực biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam.

Theo Minh Thái/Báo Đất Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)