Chúng cho thấy các mẫu thuẫn chính trị của người La Mã cổ đại xung quanh cuộc chiến xã hội ở đất nước này.
|
Các ngôi mộ có hình dạng kì lạ ở Pompeii, Ý (Ảnh: Flickr Creative commons). |
Cuộc chiến xã hội
Thành phố Pompeii, nổi tiếng với vụ phun trào của núi lửa Vesuvius vào năm 79 SCN, đã được sáp nhập vào nhà nước La Mã vào đầu thế kỷ thứ 1 TCN cùng với các thành phố khác ở Nam Campania (phía Nam Vịnh Naples).
Hàng loạt vụ sáp nhập lãnh thổ này xảy ra do cuộc chiến tranh xã hội giữa Rome và các đồng minh cũ ở Ý từ năm 91 đến năm 88 TCN.
Ở vùng ngoại ô Pompeii, các nhà khoa học có thể tìm thấy hàng trăm ngôi mộ cổ có hình dáng rất khác thường. Được biết đến dưới tên “columelle” (tiếng la tinh là cây cột nhỏ), chúng là những viên đá hình chữ nhật cắm thẳng xuống đất với phần đầu là một cái đĩa hình tròn tượng trưng cho đầu người. “Cây cột nhỏ” đã làm các nhà khảo cổ học bối rối biết bao năm qua.
Có cấu trúc và ý nghĩa khác với các loại lăng mộ đã được ghi nhận ở cùng thời kỳ. Các ngôi mộ trên có thể đã được xây dựng trong thời tiền La Mã, một số nhà khảo cổ lập luận.
Họ đã mô tả chúng như những vật thể độc nhất trong nền văn hoá và đức tin của dân cư Pompeii và khu vực láng giềng. Các columelle ở đây đã được tạo ra trước khi các thành phố này bị sáp nhập với Rome, các chuyên gia nói thêm.
Tuy nhiên, các phân tích gần đây lại cho thấy “cây cột nhỏ” ở Pompeii được xây dựng sau giữa thế kỷ thứ 1 TCN (hậu La Mã), khi các thành phố đã sáp nhập hoàn toàn vào nhà nước.
Nghịch lý thời điểm xuất hiện của ngôi mộ đã hấp dẫn các nhà khảo cổ học. Họ lại tiếp tục tìm hiểu về nguồn gốc và lý do tại sao chúng lại xuất hiện trong thời La Mã. Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra mục đích chúng được xây dựng, nhưng chỉ một số ít tiếp cận đến câu trả lời nhờ tìm hểu xa hơn cả bối cảnh rộng lớn của đế chế trên.
Trong một nghiên cứu được xuất bản bởi Tạp chí Khảo cổ học Hoa Kỳ, Allison Emmerson, chuyên gia khảo cổ của Khoa Nghiên cứu Cổ điển tại Đại học Tulane (Hoa Kỳ) đưa ra các giả thuyết mới để có thể giải quyết câu đố về “cây cột nhỏ”: chúng có ý nghĩa như thế nào với người dân Nam Campania và tại sao lại được xây dựng vào một thời điểm quá xa như vậy?.
Vén màn nền văn hóa độc đáo
Trong thời kỳ tiền La Mã, các thành phố phía nam Vịnh Naples được cho là có sự khác biệt về văn hóa với phần còn lại của nước Ý.
Hậu quả của cuộc chiến tranh xã hội biểu hiện cụ thể trong các biến động lớn về xã hội và chính trị. Toàn bộ bán đảo Ý, bao gồm cả các thành phố trên lần đầu tiên được thống nhất dưới một nền thống trị. Sự kiện trên đe dọa xóa sổ nét văn hóa đặc trưng của dân cư phía Nam Campania.
Emmerson cho rằng “cây cột nhỏ” ở Pompeii không phải là các đồ vật thời tiền La Mã mà sau đó được đưa vào thời kỳ La Mã như nhiều học giả khác từng nói. Thay vào đó, cô viết rằng các ngôi mộ đã được xây dựng với mục đích cụ thể xung quanh Pompeii và các thành phố phía Nam khác ngay sau ngày thống nhất.
“Các cuộc sáp nhập các thành phố dưới một mái nhà làm cho người dân trong các khu vực thay đổi nhận thức về sự tồn tại của bản thân cũng như người khác, trước đây họ là cư dân của một thành phố tự trị nhưng nay đã là người La Mã. “Cây cột nhỏ” được xây dựng như một sự phản ứng nhằm ca ngợi và đề cao văn hóa riêng của mình", Emmerson nói với IBTimes.
Còn về bản chất, các columelle có thể đã xuất hiện rất lâu trước khi người La Mã thống trị thế giới. Mỗi cây cột là một ngôi mộ tập thể của các gia đình (bao gồm cả nô lệ) thời cổ đại. Chúng có hình dạng như phần nữa thân trên của người, đơn giản hơn nhiều so với các ngôi mộ khác cùng thời kỳ.
|
"Cây cột nhỏ" là một nét văn hóa đặc trưng của người dân phía Nam Campania (Ảnh: Flickr Creative commons). |
Emmerson cũng nhận định rằng mặc dù “cây cột nhỏ” có thể xuất hiện trước thời La Mã, nhưng chúng cũng không quá cổ như các chuyên gia khác từng lập luận. Mặc dù không có ghi chú cụ thể nào xác nhận kĩ thuật xây dựng này đã xuất hiện ở các nơi khác trong thời đại trên, nhưng lăng mộ đặc biệt này có thể là một phần văn hóa mai táng độc đáo của người dân Pompeii và các thành phố phía Nam Campania trước khi cuộc chiến tranh xã hội xảy ra.
Nhà khảo cổ còn cho rằng những bức bia này đã được dựng lên sau chiến tranh. Chúng dường như là một tuyên bố chính trị cho thấy quan điểm ở phần còn lại của bán đảo rằng: Mặc dù đã được sáp nhập, nhưng những thành phố này sở hữu nét văn hóa đặc trưng của mình.
“Thường thi khi nhìn về “những ngày tươi đẹp đã quá”, chúng ta thường cường điệu và cải biên làm dẫn tới một số nhận định sai lầm về các sự kiện lịch sử. Về cơ bản, người dân ở những thành phố cổ chỉ muốn nhấn mạnh và tôn vinh nét văn hóa của mình”, nhà khảo cổ nỏi thêm.
“Cây cột nhỏ” nên được xem như là sự phản ứng cuối cùng của người dân các thành phố cổ đại phía Nam Vịnh Naples nhằm tôn vinh sự tồn tại và nét văn hóa độc đáo của mình.