Theo tờ National Geographic, trên thế giới có khoảng 1.000 loài nhện biển có chiều dài cơ thể từ 2,5 cm đến cỡ đường kính một đĩa ăn. Nhện biển có cấu tạo cơ thể gồm 8 chân lớn, thân bé và vòi hút chất lỏng từ con mồi.
Amy Moran, nhà sinh thái học đại dương tại Đại học Hawaii, Mỹ, cho biết: "Chúng làm tất cả mọi việc bằng chân. Tuyến sinh dục của chúng nằm trong chân. Ở nhện biển cái, trứng cũng được giữ ở chân".
|
Ảnh minh họa. |
Oxy được hấp thụ qua lớp xương ngoài mỏng, xốp vào cơ thể. Ông Moran nói: "Con người có phổi, cá có mang để thở. Nhưng nhện biển không có cơ quan chuyên biệt để trao đổi khí ngoại trừ một tiết diện bề mặt lớn".
Giống hầu hết động vật thân mềm, nhện biển có trái tim tuy nhiên rất yếu. Trái tim nhện biển không thể đẩy máu và oxy từ điểm cuối của chân đến trung tâm cơ thể. Nó dùng ruột để bơm máu và oxy đi nuôi cơ thể.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học uy tín Current Biology.
Các nhà khoa học đã thu thập mẫu sống của khoảng 12 loài nhện biển ở Nam Cực và biển phía Tây Mỹ để nghiên cứu. Họ phát hiện ra rằng đường ruột của nhện biển dài có động tác bơm thức ăn và cả oxy.
Moran cho biết: "Ruột của chúng ta co bóp để đẩy thức ăn và nhiều người từng cho rằng sự chuyển động này ở nhện biển cũng chỉ để tiêu hóa. Nhưng nhện biển dùng ruột như tim".
Sebastian Kvist, nhà sinh thái học động vật không xương sống tại Bảo tàng hoàng gia Ontario, Toronto, Canada cho rằng đặc điểm dùng ruột thay tim giúp nhện trao đổi khí hiệu quả hơn. Ông nói: "Thật tuyệt vời. Tôi cũng tò mò không biết rằng liệu còn những loài động vật dưới nước nào có quy trình như thế này mà chưa được phát hiện?".
Nhện biển đã xuất hiện khoảng 500 triệu năm, nghiên cứu có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự tiến hóa của các hệ thống tuần hoàn ở nhiều loài động vật khác.