Theo một nghiên cứu mới công bố của hai nhà nghiên cứu đến từ Đại học Turku, Jyrki Kauppinen và Pekka Malmi, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu không phải do khí thải CO2 từ các hoạt động của con người mà chính là sự hình thành các đám mây.
Trong nghiên cứu mang tựa đề "Không có bằng chứng thử nghiệm cho thay đổi khí hậu do tác động của con người", hai nhà nghiên cứu người Hà Lan kết luận, nhiệt độ toàn cầu "đặc biệt bị kiểm soát" bởi các đám mây che phủ tầng thấp; và "chỉ một phần nhỏ" khí CO2 đang gia tăng là do con người tạo ra.
|
Con người không phải là thủ phạm lớn nhất gây ra hiện tượng Trái đất nóng lên? (ảnh: Sputnik) |
"Trong 100 năm trở lại đây, nhiệt độ tăng khoảng 0,1 độ C là do khí CO2. Sự đóng góp con người chỉ vào khoảng 0,01 độ C", nghiên cứu chỉ ra. "Bởi vì tỷ lệ khí CO2 do con người tạo ra trong tổng tỷ trọng khí CO2 đang gia tăng - lại chưa đầy 10%, chúng ta về cơ bản không có thay đổi khí hậu do chịu tác động của con người".
Trước đó, nhà vật lý học người Đan Mạch Henrik Svensmark từ Khoa Vật lý Hệ mặt trời, Viện Vũ trụ quốc gia Đan Mạch từng cho rằng, khí hậu bị kiểm soát bởi hoạt động của Mặt trời và tia bức xạ vũ trụ. Lý thuyết của Svensmark là hiệu ứng của các tia vũ trụ lên sự hình thành mây có một tác động gián tiếp tới hiện tượng ấm lên của Trái đất.
Lý thuyết trên gần đây cũng nhận được sự ủng hộ của Đại học Kobe, Nhật Bản. Với việc nghiên cứu các trầm tích từ sa mạc Gobi, các nhà khoa học đã đi tới kết luận rằng, khi các tia vũ trụ gia tăng trong quá trình đảo cực địa từ của Trái đất từ 780.000 năm trước, hiệu ứng cái ô của mây mù che phủ thấp dẫn tới áp suất khí quyển cao tại Siberia, khiến hiện tượng gió mùa mùa đông tại Đông Á trở nên mạnh hơn.
"Các bằng chứng mới cho thấy các tia vũ trụ ảnh hưởng tới khí hậu Trái đất thông qua gia tăng che phủ mây, gây ra 'hiệu ứng cái ô'", các nhà khoa học Nhật Bản cho biết trong nghiên cứu mang tên "Gió mùa mùa đông trở nên mạnh hơn trong đảo cực địa từ.
Biến đổi khí hậu và khía cạnh liên quan tới con người, luôn là một trong những vấn đề khoa học gây tranh cãi nhiều nhất, với các ý kiến khác nhau và mức độ không chắc chắn vô cùng lớn.