Loài chó được thuần hóa tới 2 lần?

Google News

Đây vẫn là một câu hỏi lớn về loài chó trong nhà trung thành đầu tiên của con người.

10.000 năm trước, con người đã có mối liên hệ với loài sói xám, và số phận loài người và loài sói có sự gắn kết với nhau như một định mệnh. Loài thú này đã dần dần thay đổi về hình dáng và tính cách. Não, răng và chân nhỏ lại, tai cụp xuống. Chúng có khả năng đoán biết được thái độ của con người qua nét mặt. Như vậy là loài chó đã xuất hiện.
Loài chó là loài vật được thuần hóa đầu tiên, trước khi con người nuôi mèo, gà, bò, dê, lợn và cừu, thậm chí là trước cả khi chúng ta trồng lúa, lúa mì, lúa mạch và ngũ cốc.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm được câu trả lời về thời điểm, nơi và cách thức mà loài chó xuất hiện, trừ một điều là loài chó có nguồn gốc từ loài sói.
Một số người cho rằng loài chó xuất hiện cách đây khoảng 10.000 năm, một số khác là 30.000 năm. Chúng đã xuất hiện từ châu Âu, hay Trung Đông hay Đông Á, điều này vẫn chưa hề rõ ràng. Có người cho rằng, con người đã bắt và thuần hóa loài sói, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, loài sói đã tự thuần hóa để trở thành loài chó.
Steve Larson là một trong những nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử của loài chó. Ông đã thu thập hóa thạch và hợp tác với nhiều chuyên gia nhằm xét nghiệm ADN của cá thể chó và hóa thạch của loài sói để tìm câu trả lời.
Loài chó nhà có nguồn gốc từ chó sói. 
Larson và cộng sự Laurent Frantz đã tiến hành tìm hiểu một di tích cổ 4.800 tuổi có tên là Newgrange ở miền Đông Ireland. Đây là nơi đã tìm thấy xương cốt của loài chó cổ đại. Nhóm nhà khoa học đã phát hiện loài chó có hai nhánh nguồn gốc, một từ phía Đông và một từ phía Tây của đại lục Á-Âu. Nhánh phía Đông gồm loài chó Shar Peis và chó Tây Tạng, còn nhánh phía Tây gồm đa phần các loài chó khác, trong đó gồm cả loài chó cổ đại ở vùng Newgrange.
Larson phát hiện được rằng, trước đây chỉ có một quần thể chó nhưng sau đó một nhóm tách ra, tạo nên một cuộc di cư lớn về phía Tây kéo dài nhiều năm. Nghiên cứu cho thấy “dân số” loài chó đã giảm đi đáng kể và đây chính là bằng chứng của sự di cư. Ban đầu, cả hai nhánh đều là một quần thể lớn nhưng sau đó một nhánh tách ra và di cư về phía Tây. Phát hiện này ủng hộ cho ý kiến cho rằng loài chó đã được thuần hóa đâu đó trên lãnh thổ Trung Quốc.
Nghiên cứu hóa thạch
Mặc dù vậy, các nghiên cứu và so sánh xương hóa thạch để tìm hiểu về niên đại của loài chó cách đây 6.400 - 14.000 năm cả ở phía Đông và Tây đại lục Á-Âu, đã có sự không trùng khớp. Thực tế, khi những con chó phía Đông di cư về phía Tây để vào châu Âu, ở đây đã có mặt loài chó sinh sống cùng con người.
Như vậy, theo Larson, loài chó đã được thuần hóa tới hai lần. Ông cho biết, nhiều nghìn năm trước, ở phía Tây lục địa Á - Âu, con người thuần hóa loài sói xám, điều tương tự xảy ra ở phía Đông. Tức là có hai nhóm chó khác nhau cả về bản chất lẫn địa lý, tạm gọi là chó Tây và chó Đông. Thời kỳ Đồ Đồng, chó Đông di cư về phía Tây cùng với con người và gặp chó Tây bản địa, kết quả là chó Đông đã thay thế chó Tây.
Ngày nay, các giống chó ở phía Đông là hậu duệ của loài chó Đông cổ đại. Các giống chó ở phía Tây ngày nay có nhiều đặc điểm giống với những con chó Đông đã di cư vào thời đó. Chỉ có 10% là có nguồn gốc từ loài chó Tây cổ đại, ngày nay đã tuyệt chủng.
Một nghiên cứu khác vào năm 2013 của nhà nghiên cứu Bob Wayne từ Đại học Califfornia (Mỹ) cho thấy loài chó đã được thuần hóa tại châu Âu hoặc miền Tây Siberia, từ cách đây 18.800 đến 32.100 năm. Nhóm của ông đã phân tích ADN của 126 con chó và sói hiện đại, và nghiên cứu 18 bộ di cốt hóa thạch.
Phản bác lại ý kiến trên, nhà nghiên cứu Peter Savolainen từ Viện Công nghệ Hoàng gia KTH tại Stockholm (Thụy Điển) cho rằng, Trung Quốc là nơi xuất phát nguồn gốc của loài chó từ 33.000 năm trước, chúng có nguồn gen rất đa dạng. Sau đó, một bộ phận đã di cư về phía Tây cách đây 18.000 năm.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện hóa thạch chó 15.000 năm ở vùng Tây Âu, 12.500 năm ở vùng Đông Á, nhưng tuyệt nhiên không có hóa thạch nào 8.000 năm tuổi trong khoảng thời gian này cả.
“Liệu có phải chúng chỉ mất một tuần để đi từ Đông Á sang Tây Âu và sau đó 4.000 năm sau mới quay trở lại?” – ông Larson nêu nghi vấn.
Dựa trên những dữ liệu trên đây, loài chó đã được thuần hóa tới hai lần cũng là kết luận của bà Mietje Genompré, nhà khảo cổ học từ Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ.
Tuy nhiên, câu hỏi về nguồn gốc thực sự của loài chó cho đến nay vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp chính xác. 
Theo TGVN

Bình luận(0)