|
Cá mút đá. Ảnh: Wall Street Journal.
|
Sean Campbell là chủ công ty dịch vụ câu cá tại khu vực Ngũ Hồ ở biên giới Mỹ và Canada. Trong một lần hướng dẫn khách câu cá tại Hồ Superior, một trong các du khách câu được con cá hồi dài gần 1 m. Nhưng có một sinh vật lạ dính vào trán của con cá hồi.
"Con cá như thể có một chiếc sừng kỳ lân không ngừng ve vẩy", Campbell nói.
Người đàn ông mau chóng nhận ra con cá hồi đã trở thành nạn nhân của loài cá mút đá, sinh vật đáng sợ nhất sống tại vùng Ngũ Hồ, theo Wall Street Journal.
Loài ký sinh nguy hiểm
Cá mút đá là loài vật xâm lấn từ bên ngoài vào vùng nước ở Ngũ Hồ. Chúng có thân dài như lươn, chiếc miệng tròn với đầy những chiếc răng nhỏ dùng để cắn chặt vào thân bất cứ sinh vật nào chúng bám lấy.
Cá mút đá là loài sống ký sinh. Khi bám vào, chúng sẽ hút máu và những dinh dưỡng quan trọng nhất từ vật chủ để nuôi sống bản thân. Nạn nhân chính của cá mút đá là các loài cá sống ở vùng Ngũ Hồ.
Khi con cá hồi mà khách của ông Campbell bắt được rơi xuống sàn, con cá mút đá buông con cá hồi và vùng vẫy tìm cách thoát thân, khiến cả con tàu hoảng loạn. Đích thân Campbell phải ra tay, ông dẫm lên con cá và dùng kìm giết chết nó, trước khi cho xác con cá này vào túi rác.
|
Cá mút đá gây vết thương nguy hiểm trên thân vật chủ. Ảnh: Wall Street Journal.
|
"Tất cả họ đều la hét và nhảy lùi lại phía sau. Một số người thậm chí không dám chạm vào con cá hồi mà nhờ tôi cầm để chụp ảnh. Khi có con cá mút đá trên tàu, dường như tất cả chỉ muốn mau chóng xuống khỏi tàu", Campbell nói.
Nhiều năm qua, nhà chức trách quản lý Ngũ Hồ đã tương đối thành công trong nỗ lực kiềm chế số lượng cá mút đá. Nhưng nay, số lượng loài cá ký sinh này đang một lần nữa tăng nhanh sau khi các biện pháp hạn chế di chuyển trong năm 2020 và 2021 khiến các hoạt động kiểm soát loài cá mút đá bị gián đoạn.
Trước 2020, số lượng cá mút đá tại Ngũ Hồ ở mức thấp nhất trong hàng thập kỷ. Hiện nay, sự trỗi dậy của cá mút đá đang đe dọa nghiêm trọng ngành đánh cá trị giá 7 tỷ USD tại Ngũ Hồ.
Nỗ lực kiểm soát cá mút đá
Ủy ban Nghề cá Ngũ Hồ được thành lập trong thập niên 1950 là cơ quan điều phối hoạt động kiểm soát số lượng cá mút đá giữa Mỹ và Canada. Greg McClinchey, giám đốc chính sách và pháp lý của Ủy ban, cho biết cá mút đá là "ác mộng" của ngành đánh bắt cá Ngũ Hồ.
"Thật may loài cá mút đá không có bề ngoài dễ thương như thỏ, bởi như vậy sẽ khó thuyết phục mọi người chúng ta cần loại bỏ loài này khỏi Ngũ Hồ", ông McClinchey nói.
Cấu tạo của cá mút đá hầu như không thay đổi trong suốt 340 triệu năm. Cá mút đá vốn sống ở Đại Tây Dương. Khoảng 100 triệu năm trước, chúng xâm nhập vào Ngũ Hồ qua kênh Welland.
|
Cá mút đá sống ở Ngũ Hồ. Ảnh: Wall Street Journal.
|
Ngoài đại dương, cá mút đá thường bám vào những loài cá lớn, chúng giống như loài ký sinh chứ không giết chết vật chủ.
Tại Ngũ Hồ, cá mút đá không phải đối mặt những loài thiên địch. Chúng thường giết chết những vật chủ bị bám dính.
Trong cuộc đời, mỗi con cá mút đá có thể ăn tới 20 kg thịt cá. Mỗi con cái có thể đẻ tới 100.000 trứng. Đến giữa thế kỷ XX, cá mút đá làm suy giảm trầm trọng số lượng các loài cá bản địa sống ở Ngũ Hồ.
Jess Barber, giám sát viên hiện trường kiểm soát cá mút đá của Cơ quan Quản lý cá và động vật hoang dã Mỹ, cho biết các chuyên gia thường ra quân vào mùa có thời tiết ấm để tiêu diệt cá mút đá khi chúng còn ở dạng ấu trùng. Trong thời gian Covid-19, biện pháp hạn chế di chuyển làm gián đoạn các hoạt động này.
Các nhà quản lý nghề cá đang theo dõi sát số lượng cá mút đá. Nhà chức trách tin rằng sử dụng hóa chất có tên Lampricide có thể tiêu diệt lượng lớn ấu trùng cá mút đá, giúp giảm quy mô loài này sau vài năm.
Steve Hubert, chủ công ty dịch vụ câu cá Chum Bucket Charters hoạt động ở Hồ Huron, miêu tả cá mút đá giống như ma cà rồng của Ngũ Hồ. Hubert cho biết ông tìm thấy cá mút đá trong mọi chuyến đi trên hồ.
"Một con cá hồi chúng tôi câu được sáng nay bị cá mút đá bám vào, và nó có vết thương ở cả hai bên thân. Cá mút đá thật kinh khủng, chúng giống như những sinh vật khoa học viễn tưởng", Hubert nói.