Laptop Pixel đắt đỏ, kém tính năng và cầm chắc thất bại

Google News

(Kiến Thức) - Thay vì mua chiếc Pixelbook Go mới ra mắt, bạn có đủ tiền để mua 2 chiếc Surface Go. Chẳng lẽ Google lại không nhận ra sự thật đơn giản này?

    Nếu phải chọn ra một trong những dòng sản phẩm khó hiểu nhất của thị trường công nghệ hiện tại thì đó chắc chắn phải là những chiếc tablet/laptop mang thương hiệu Pixel của Google. Khởi đầu bằng chiếc ChromeBook Pixel giá 1500 USD và hiện tại đã trở về với kiểu dáng laptop qua Pixelbook Go, Google đến giờ vẫn theo đuổi một chiến lược không ai hiểu: bán phần cứng giá đắt chạy hệ điều hành "què cụt" Chrome OS, vốn có thể coi là bản mở rộng của trình duyệt Chrome.
    Ngay cả mẫu laptop Pixelbook Go dù "mềm" hơn các đàn anh nhưng cũng vẫn đắt ở mức khó chấp nhận: 650 USD. Ở mức giá này, người tiêu dùng chỉ cần thêm 100 USD là đã có thể sở hữu Surface Pro 7. Hoặc, giá của Pixelbook Go cũng có thể dùng để mua 2 chiếc Surface Go. Nhờ có hệ điều hành Windows đầy đủ, số lượng ứng dụng được Surface hỗ trợ rõ ràng là nhiều hơn Pixelbook. Dĩ nhiên, Surface cũng có thể dùng để chạy Chrome – và nhờ đó sở hữu toàn bộ tính năng của Pixelbook.
    Laptop Pixel dat do, kem tinh nang va cam chac that bai
    Dù là dòng laptop Pixel giá rẻ nhất từ trước đến nay, Pixelbook Go vẫn khởi điểm ở mức 650 USD, tức ngang ngửa Surface Pro. 
    Không cần các sản phẩm Pixel, ChromeBook (giá rẻ) vẫn cứ bán tốt. Mức giá và tính năng của Pixelbook chỉ có thể mang đến thất bại về mặt doanh số. Vậy thì, lý do gì khiến Google vẫn cứ "cố đấm ăn xôi" ra mắt ChromeBook đắt tiền?
    Danh dự của Google
    Để đi tìm câu trả lời, hãy quay lại năm 2013, khi Google chưa có laptop. Mặc dù Android lúc này đã xác lập vị thế thống trị, Google vẫn thiếu mảnh ghép quan trọng để tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ khi sánh bước cùng 2 gã khổng lồ còn lại trong lĩnh vực hệ điều hành là Microsoft và Apple. Chiếc ChromeBook Pixel đắt đỏ năm 2013 chính là câu trả lời trực diện đầu tiên của Google dành cho MacBook và Surface. Tuy đắt đỏ và có lẽ là… chẳng bán được cho ai, ChromeBook Pixel vẫn là điều mà Google cần. Nếu ai đó yêu Google, họ nay đã có thể sở hữu một hệ sinh thái Google đầy đủ, một bộ sưu tập phần cứng tập trung quanh các dịch vụ Internet của Google.
    Hiển nhiên, điều này đưa chúng ta quay trở lại câu hỏi: ai là người thực sự cần một hệ sinh thái phần cứng và phần mềm Google đầy đủ, trong khi các dịch vụ Google vốn đã luôn có mặt đầy đủ trên Surface và iPhone? Đáp án là, chính Google. Ngay bây giờ, bạn chỉ cần lên trang hướng dẫn chính thức của Android Studio (bộ phần mềm dùng để phát triển ứng dụng Android). Google vẫn đang dùng macOS để hướng dẫn lập trình viên của mình có thể phát triển ứng dụng cho Android.
    Laptop Pixel dat do, kem tinh nang va cam chac that bai-Hinh-2
    Google cần loại bỏ dần phần cứng của đối thủ ra khỏi tương lai của mình. 
    Là Google, bạn có muốn sự thật tréo ngoe này tiếp tục trong tương lai? Đường đường là ông chủ của hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, Google lại phải đi nhờ cậy đến nền tảng của hãng khác để tiếp tục nuôi sống nền tảng của mình? Dù chưa đầy đủ tính năng như Android Studio trên Mac hay Windows, hiện tại Android Studio trên Chrome OS vẫn đang được đẩy mạnh phát triển. Sẽ có lúc, Google có thể loại bỏ các đối thủ ra khỏi hệ sinh thái của mình.
    Và dĩ nhiên, tham vọng cũng không dừng lại cùng Android. Sau khi thu hút được Spotify lên Google Cloud Platform, Google đang mang tham vọng trở thành đối thủ ngang tầm Amazon và Microsoft trong cuộc chiến đám mây. Hệ điều hành Fuchsia đang trên đà phát triển, hứa hẹn một khả năng thay thế cả Chrome OS lẫn Android. Các ngôn ngữ mới như Dart hay Golang, các thư viện/công cụ như Firebase hay Flutter… tất cả đều mở ra một tương lai quan trọng, nơi Google là một đế chế nền tảng thực thụ, đứng ngang hàng Amazon, Microsoft hay Apple. Liệu đế chế này nên được xây dựng trên máy Mac, máy tính Windows hay là trên phần cứng mang trọn vẹn tầm nhìn của Google?
    Văn phòng trên mây
    Laptop Pixel dat do, kem tinh nang va cam chac that bai-Hinh-3
    Sống nhờ trên Windows và macOS sẽ khiến sức cạnh tranh của Gmail hay Google Docs bị ảnh hưởng. 
    Vấn đề của Google cũng không gói gọn trong giới công nghệ. Sự tồn tại của ChromeBook vốn đã là minh chứng quan trọng cho thấy các giải pháp Google có thể tạo ra một cuộc sống số, một "sự nghiệp số" hoàn hảo, nơi trình duyệt là công cụ làm việc duy nhất cần có. Gmail, Google Docs, Google Drive… bắt đầu tạo thành một mối đe dọa thực sự tới Office và Outlook. Chỉ với trình duyệt, Google có thể tạo ra những doanh nghiệp trên mây thực thụ, hất cẳng Microsoft ra khỏi khối thị trường tiềm năng này. Thực tế, đây là điều đang xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện từ bỏ tất cả các ứng dụng Microsoft để "sống" duy nhất trên đám mây Google, bằng những chiếc máy ChromeBook giá rẻ.
    Nhưng một số doanh nghiệp sẽ cần nhiều hơn là trình duyệt. Một bệnh viện sẽ cần phần mềm để chạy hình ảnh. Một trường đại học sẽ cần ứng dụng dựng model. Và, như chúng ta đã nhắc đến ở trên, chính các kỹ sư Google cũng không thể làm việc nếu chỉ có Chrome. Chrome OS phải tiến hóa từ một hệ điều hành hướng-trình duyệt thành một hệ điều hành đầy đủ. Muốn mục tiêu ấy thành hiện thực, Google không thể giữ cho ChromeBook tiếp tục bị gói trong phân khúc giá rẻ, bị trói vào chip ARM hay Celeron (theo cái cách HP, Acer đang làm).
    Quan trọng hơn, nếu Google còn phải sống nhờ trên MacBook hay Surface, khách hàng của Google sẽ còn tiếp tục tìm đến Office và các giải pháp Windows khác thay vì tìm cách "đám mây hóa" cùng Google.
    Laptop Pixel dat do, kem tinh nang va cam chac that bai-Hinh-4
    Những chiếc laptop Pixel là nỗ lực nhằm phát triển Chrome OS ra ngoài giới hạn của Chrome. 
    Vai trò của ChromeBook Pixel và Pixelbook là đây. Chắc chắn, khi bán ra laptop với giá gấp đôi, gấp ba đối thủ, Google sẽ không mang hy vọng có thể đạt đến tầm doanh số của MacBook hay Surface. Sức mạnh của những con chip Core i5 hay Core i7 cũng đang bị bỏ phí trên các phiên bản Pixelbook Go đắt tiền.
    Nhưng Google không thể làm điều ngược lại: phần cứng phải đi trước phần mềm, phải có những chiếc ChromeBook "tử tế" thì kỹ sư Google mới có thể nghĩ đến chuyện tạo ra các phần mềm phát triển chất lượng cho Chrome OS. Từ đó, tham vọng về một tương lai chỉ-có-Google mới có thể thành hiện thực.
    TH

    >> xem thêm

    Bình luận(0)