Nạn nhân Tulasi Shahi (19 tuổi), ngủ lại đây một mình vào đêm thứ năm tuần trước và bị rắn độc cắn vào đầu và chân. Nơi xảy ra vụ việc chính là túp lều nuôi bò của người chú Shahi. Gia đình cô lúc đầu đưa cô đến gặp pháp sư nhưng người này không thể chữa khỏi.
Sau đó, cô gái trẻ được đưa đến Trung tâm y tế địa phương nhưng nơi đây không có thuốc chống nọc độc. Do hiện là mùa mưa nên nhiều con đường trong khu vực bị ngập, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Hậu quả là, Shahi đã qua đời vào sáng hôm sau, sau 7 giờ chống chọi với nọc độc trong cơ thể.
|
Nhiều phụ nữ Nepal trở thành nạn nhân của hủ tục Chhaupadi. |
Nạn nhân thứ hai trong chưa đầy 2 tháng
Kamala Shahi, chị em họ của Shahi đang làm việc tại một cơ quan y tế của Chính phủ Nepal cho hay: “Nếu Shahi được điều trị đúng cách, em ấy đã sống sót. Shahi chết vì mê tín dị đoan”.
Trước khi qua đời, cô gái trẻ Tulasi Shahi có lẽ đã nhiều lần phải chịu cảnh bị cách ly như vậy. Shahi là cô gái thứ hai trở thành nạn nhân của hủ tục Chhaupadi chỉ trong chưa đầy 2 tháng qua tại huyện Dailekh. Trước đó, ngày 22-5, Lalsara Bika (14 tuổi), cũng tử vong do một căn bệnh liên quan đến thời tiết giá lạnh trong thời gian bị cách ly. Cuối năm ngoái, 2 cô gái bị mất mạng trong hoàn cảnh tương tự tại huyện Achham lân cận.
“Các bé gái và phụ nữ của chúng ta đang chết còn chính quyền thì nhắm mắt làm ngơ. Những gì Chính phủ làm chỉ là ban hành hướng dẫn. Không ai có thể trình báo vụ việc tới cảnh sát, không ai có thể nộp đơn kiện… bạn không thể trừng phạt bất kỳ ai vì đưa con gái và vợ họ tới những chiếc lều này”.
Ông Radha Paudel (Nhà văn Nepal)
Hủ tục Chhaupadi tồn tại từ cách đây nhiều thế kỷ và có nguồn gốc từ những điều cấm kỵ của người Hindu về kinh nguyệt. Theo một báo cáo năm 2011 của Liên hợp quốc, những “túp lều kinh nguyệt” là các ngôi nhà nhỏ, xiêu vẹo thường không có cửa sổ với điều kiện vệ sinh và thông gió kém. Khi bị cách ly tại đây, phụ nữ và trẻ em gái bị cấm chạm vào người khác, gia súc, các loại rau xanh, cây cối và trái cây. Họ cũng không được phép uống sữa hoặc ăn các sản phẩm sữa, trong khi việc tiếp cận với các vòi nước và giếng bị hạn chế.
“Một số ở vùng Viễn Tây (Nepal) vẫn tin rằng Thượng đế hay nữ thần có thể tức giận nếu tập tục này bị vi phạm, có thể dẫn đến cái chết của gia súc hoặc phá hoại mùa màng” - báo cáo của Liên hợp quốc cho biết - “Người ta tin rằng nếu một người phụ nữ chạm vào trái cây, chúng sẽ rụng trước khi chín. Nếu cô ấy lấy nước, giếng sẽ khô cạn”. Tại một số vùng, các cô gái còn bị hạn chế đọc, viết hoặc chạm vào sách trong thời kỳ kinh nguyệt vì sợ chọc giận Saraswati, nữ thần giáo dục.
Cần cấm thực thi hủ tục
Hồi năm 2005, Tòa án Tối cao Nepal đã xác định hủ tục Chhaupadi là hoạt động bất hợp pháp. 3 năm sau, Chính phủ nước này đã ban hành các hướng dẫn để loại bỏ hủ tục này trên toàn quốc. Thế nhưng, hủ tục này vẫn được thực hiện ở nhiều làng mạc Nepal, đặc biệt phổ biến ở khu vực phía Tây Nepal, khi những phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt được xem là không trong sạch và mang lại điều xui cho gia đình. Chính vì vậy, họ không được tham gia các hoạt động thường ngày của gia đình, tụ tập xã hội, vào nhà, nhà bếp và đền thờ.
Một cuộc khảo sát của Chính phủ thời gian gần đây cho thấy, với 49.000 hộ gia đình, huyện Dailekh có hơn 500 “túp lều kinh nguyệt”. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng, những con số của chính phủ không phản ánh mức độ nghiêm trọng và tầm quan trọng của tình hình. Bà Radha Paudel, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Kathmandu cho rằng Chính phủ Nepal cần ban hành luật đặc biệt để cấm thực thi Chhaupadi và tích cực tuyên truyền về sự nguy hiểm của hủ tục này.