Theo Sci-News, loài bò sát biển mới được đặt tên là Prosaurosphargis yingzishanensi đã lộ diện trong một mỏ đá thuộc Hệ tầng Gia Lăng Giang ở Trung Quốc, nơi một số quái vật cổ đại khác cũng từng được tìm thấy.
Kết quả giám định niên đại cho thấy nó đã 247 triệu tuổi, tức thuộc lớp sinh vật đầu kỷ Tam Điệp, ra đời sau đại tuyệt chủng cuối kỷ Nhị Điệp trước đó.
Quái vật được tìm thấy trong một khu vực chứa đầy hóa thạch cạnh sông Gia Lăng của Trung Quốc - Ảnh: eLife
Kỷ Tam Điệp là kỷ nguyên địa chất mở đầu cho "thời đại quái vật" của hành tinh, kéo dài suốt 3 kỷ Tam Điệp - Jura - Phấn Trắng với sự thống trị của các loài bò sát lớn như khủng long trên mặt đất, dực long của bầu trời, thương long, ngư long dưới biển...
Nhà cổ sinh vật học Jun Liu từ Trường Đại học Công nghệ Hợp Phì (Trung Quốc) và các đồng nghiệp từ Đức, Ba Lan, Trung Quốc đã nghiên cứu về mẫu vật được coi là mang tính biểu tượng của giai đoạn chuyển tiếp cực kỳ quan trọng của hệ sinh thái này.
"Một số nhóm bò sát đã xâm chiếm vương quốc biển do hậu quả của đại tuyệt chủng cuối kỷ Nhị Điệp, là đợt tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Trái Đất" - TS Liu cho biết.
Khác với những tổ tiên tìm đường từ dưới đại dương lên bờ, bò sát biển kỷ Tam Điệp lại là những kẻ "ngược đường", tiến hóa từ sinh vật trên cạn kỷ Nhị Điệp mà thành.
Sự xâm chiếm biển khơi của bò sát có thể là kết quả của việc đại dương thời bấy giờ khá vắng lặng, do đại tuyệt chủng đã quét gần sạch sinh vật dưới nước thế hệ trước.
Trong đó, vùng đại dương nay thuộc địa phận Trung Quốc là một trong những nơi mà bò sát biển cổ đại sơ khai đã lựa chọn.
Mẫu vật được tìm thấy là một phần cơ thể của quái vật, cho thấy nó có một thân hình "mặc áo giáp", bao gồm các xương sườn chắc khỏe mở rộng trên lưng và lớp giáp da dày nặng.
Với chiều dài cơ thể khoảng 1,5 m, nó là loài khá lớn trong thế giới quái vật đầu kỷ Tam Điệp, vốn chưa phát triển đến kích thước khổng lồ như kỷ Phấn Trắng.
Nghiên cứu này vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí eLife.