Những người thực dân Teian đã xây dựng nên thành phố cổ Phanagoria vào khoảng năm 543 trước Công nguyên, sau lần trốn chạy bởi cuộc tấn công của Cyrus Đại đế vào quê hương họ. Nơi đây nhanh chóng trở thành trung tâm giao thương giữa vùng bờ biển của người Maeotian và các nước ở phía nam Caucasus.
Sau đó, thành phố cổ Phanagoria phát triển rất nhanh và có sức ảnh hưởng nhất vùng Biển Đen. Nó là một trong những đô thị Hy Lạp cổ lớn nhất. Tuy nhiên, nơi này bỗng nhiên bị bỏ hoang vào thế kỷ 9-10 mà cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Mới đây, nhóm khảo cổ học đã tìm thấy 80 đồng xu trong một chiếc bình amphora khi họ đang khai quật vụ hỏa hoạn đã phá hủy Phanagoria vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.
Theo chia sẻ của nhà khảo cổ học Vladimir Kuznetsov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga: “Các đồng tiền xu này được đúc dưới thời vua Bosporan vào cuối thế kỷ 3 - đầu thế kỷ 4 sau Công nguyên. Mặc dù chúng được đúc ra từ hàng trăm năm trước nhưng những đồng xu này vẫn được sử dụng trong các khu chợ của Bosporos vào thế kỷ 6. Nguyên nhân có thể do những đồng xu được đúc bằng chì có giá rẻ hơn so với những đồng xu được làm ra bằng vàng Byzantine (vàng Đông La Mã).”
Các nhà khảo cổ học tin rằng, các đồng xu này đã bị chôn cất trong tình thế thành phố cổ Phanagoria bị người Hun hoặc Turk tấn công và phá hủy. Họ cũng đã tìm thấy nhiều công trình công cộng và nhà ở bị đốt phá vào cùng thời điểm hũ đồng xu được chôn cất, khi có một lượng lớn tro bụi, bồ hóng, mảnh vỡ của sàn gỗ, bát đĩa vỡ còn xót lại trong khu khai quật.
Kuznetsov nói rằng: “Việc chôn cất đồng xu nói lên tình hình bất ổn của Phanagoria lúc bấy giờ. Chủ nhân của hũ đồng xu này đã chôn cất chúng một cách vội vàng vì chỉ một phần của chiếc bình amphora được đặt xuống hố và phủ lên trên một lớp đất.”