Số lượng động vật có vú, chim, cá, loài bò sát và lưỡng cư đã giảm tới 60% so với giai đoạn năm 1970, theo một báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).
|
Cá sấu nước mặn mắc kẹt trong một chiếc lốp xe. |
Những loài động vật hoang dã còn tồn tại đến ngày nay phải đấu tranh với hiện tượng nước biển ấm lên, rác thải tràn ngập trong khi các rạn san hô dần biến mất.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đáng báo động kể trên là do sự tận diệt và tàn phá môi trường tự nhiên của con người.
“Con người đối mặt với một tương lai lai khó tưởng tượng khi rừng, đại dương và sông hồ đang bị tổn hại nghiêm trọng. Số lượng động vật hoang dã toàn cầu đang bị thu hẹp ở mức báo động”, Marco Lambertini, Tổng giám đốc của WWF nói. “Chúng ta đã và đang phá hoại môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học”.
Điều này càng trở nên lo ngại hơn khi dân số thế giới không ngừng bùng nổ. Tỷ lệ môi trường tự nhiên chưa được con người khai phá sẽ giảm từ mức một phần tư đến mức một phần mười vào năm 2050, báo cáo cho biết.
“Có sự liên hệ giữa sự mất mát của môi trường tự nhiên và sức khỏe con người”, Carter Roberts, giám đốc điều hành WWF nói. “Nguồn thức ăn đến từ đâu? Nguồn nước nữa? Mất mùa và hạn hán là những gì chúng ta đã và đang phải đối mặt”.
Tanya Steele, giám đốc WWF ở Anh nói với CNN: “Chúng ta là thế hệ đầu tiên biết đến chuyện tàn phá Trái đất và là thế hệ cuối cùng có thể hành động”.
WWF hối thúc chính phủ các nước tìm hiểu cách khai thác nguồn lợi tự nhiên một cách bền vững, thay vì phá hủy tất cả.
“Chúng ta không còn nhiều thời gian và cơ hội để đảo ngược tổn thất, đặc biệt là khi năm 2020 đang đến gần”, WWF cho biết.