Hội nghị “Các nhà khoa học trẻ toàn quốc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ lần thứ V” được tổ chức bởi Đoàn Thanh niên của hai Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM.
Với sự tham dự của khoảng 200 nhà khoa học, các nội dung được báo cáo tại Hội nghị Các nhà khoa học trẻ toàn quốc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ lần thứ V xoay quanh chủ để Khoa học vật liệu và ứng dụng; Khoa học trái đất và sự sống.
|
GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu chào mừng hội nghị. |
Thay mặt Ban Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu chào mừng tại Hội nghị, GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vấn đề xây dựng, đào tạo đội ngũ các nhà khoa học và phát triển Khoa học Công nghệ luôn là một trong những điểm mấu chốt trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và quốc tế.
Trải qua 4 lần tổ chức, Hội nghị “Các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ” đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực từ các nhà khoa học trẻ, với hơn 900 công trình khoa học trong nhiều lĩnh vực của cán bộ trẻ từ khắp mọi miền của Tổ quốc.
Hội nghị có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa cán bộ trẻ ở các trường đại học và các đơn vị nghiên cứu trên toàn quốc.
“Đồng thời, là cơ hội để các nhà khoa học trẻ xích lại gần nhau, hình thành những nhóm nghiên cứu liên ngành, liên trường và liên lĩnh vực, cũng như tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm và hợp tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền khoa học và công nghệ nước nhà”, GS.TS Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.
|
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) phát biểu tại Hội nghị. |
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay, hiện nay, giáo dục đại học đang gặp những thách thức vô cùng to lớn trong việc khẳng định mình qua các bảng xếp hạng đại học và hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục. Cùng với đó là sự mất cân đối trong nhu cầu của xã hội và thị trường lao động.
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ là những nguồn động lực vô cùng quan trọng để khẳng định với xã hội tính cần thiết và dư địa phát triển bao la, rộng lớn của các ngành đào tạo này.
“Hội nghị lần này sẽ thúc đẩy thêm sự kết nối trong nghiên cứu, kiến tạo tri thức, chuyển giao công nghệ đổi mới sáng tạo và truyền cảm hứng trong lĩnh vực khoa học. Mục tiêu không chỉ cho đội ngũ nhà khoa học, giảng viên mà còn cho các sinh viên theo học các ngành này”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho hay.
|
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên lề hội nghị, TS Trương Lâm Sơn Hải, giảng viên khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay, hiện nay, khoa học đang có xu hướng liên ngành. Theo kinh nghiệm của TS Hải, các nhà khoa học cần mở rộng mối quan hệ, để có thể liên kết trong nghiên cứu. Vì hiện nay, các thiết bị nghiên cứu ở Việt Nam không tập trung ở một trường hay phòng thí nghiệm, mà nằm rải rác. Nếu các nhà khoa học có mối quan hệ, xây dựng được mạng lưới tốt thì sẽ cùng nhau phối hợp, phát triển, “đi nhanh hơn và đi đúng hơn”.
|
TS Trương Lâm Sơn Hải, giảng viên khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, TS Trương Lâm Sơn Hải sẽ trình bày nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ Hydrate trong xử lý nước biển và nước nhiễm mặn” với mong phổ biến kiến thức tới mọi người về xu hướng hiện đại của các nước phát triển về lĩnh vực này. Hội nghị cũng là cơ hội để anh gặp gỡ được các nhà khoa học, trong đó, có những nhà khoa học “đầu đàn” ở 2 trường ĐH quốc gia lớn để có thể học hỏi, nhận được những góp ý về nghiên cứu.
“Đó là những định hướng để tôi có thể phát triển tốt hơn cho con đường nghiên cứu sắp tới của mình”, TS Trương Lâm Sơn Hải chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vai trò của đầu tư trọng điểm đối với nghiên cứu khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.