"Tuy thời gian bắt đầu hoạt động của kính thiên văn bị chậm lại một chút do tác động của đại dịch toàn cầu, nhưng hình ảnh này cho thấy kính thiên văn có thể mang lại cho chúng ta những kiến thức chưa từng có về Mặt Trời", David Boboltz, Giám đốc Chương trình Kính viễn vọng Mặt Trời Inouye, nói.
Hình ảnh được chụp vào ngày 28/1 là một trong những hình ảnh đầu tiên về chu kỳ mới của Mặt Trời. Thời điểm chụp hình là ngay sau khi năng lượng Mặt Trời đạt mức cực tiểu cuối cùng vào tháng 12/2019. Khi đó, Mặt Trời tỏa ít năng lượng hơn và có ít vết đen hơn.
|
Hình ảnh vết đen Mặt Trời được kính viễn vọng Daniel K. Inouye ghi lại vào ngày 28/1. Ảnh: Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.
|
Cứ sau 11 năm, Mặt Trời hoàn thành một chu kỳ và bắt đầu một chu kỳ mới. Mức cực đại của chu kỳ Mặt Trời hiện tại được dự đoán sẽ xảy ra vào giữa năm 2025, theo CNN.
Trong thời kỳ hoạt động cao điểm của Mặt Trời ở chu kỳ vừa qua, các nhà khoa học theo dõi được 120 vết đen. Trong chu kỳ mới, họ dự đoán con số này là khoảng 115.
Vết đen - vùng tối trên Mặt Trời - giúp các nhà khoa học theo dõi hoạt động trên bề mặt của Mặt Trời. Những điểm tối này là khởi nguồn cho các vụ nổ và phóng ánh sáng, vật chất Mặt Trời và năng lượng vào không gian.
Những thay đổi trong không gian do Mặt Trời gây ra, hay còn gọi là "thời tiết không gian", là yếu tố quan trọng vì có thể tác động đến lưới điện, vệ tinh, hệ thống định vị GPS, hoạt động của máy bay, tên lửa và các phi hành gia làm việc trong không gian.