Hoảng loạn vì gặp “người lạ”
Nỗi sợ đó là: Soi gương vào lúc nửa đêm hay thậm chí khi ánh dương cuối cùng biến mất. Đừng vội bĩu môi dè bỉu hay cười cợt nỗi sợ tưởng chừng như rất nhảm nhí ấy. Bởi thực tế đã ghi nhận các trường hợp gặp “người lạ” trong gương hay ngay trên giường ngủ khiến chủ nhân khóc thét…
Trong một bệnh án được ghi chép bởi nhà khoa học Joseph Capgras (1873 - 1950) và cộng sự Reboul-Lachaux vào năm 1923, người phụ nữ Paris chính gốc tên M. được miêu tả cùng những biểu hiện hết sức kỳ quái.
Không chỉ quả quyết cho rằng chồng và các con của cô đã bị bắt cóc và được thay thế bởi một bản sao y hệt, cô M. còn tự nhận bản thân mình là con cháu trực hệ của vua Louis XVIII, nữ hoàng Ấn Độ và là Công tước Salandra.
Cô tiết lộ mình sở hữu khối tài sản trị giá khoảng từ 200 triệu đến 125 tỷ franc và có một âm mưu nhằm che giấu và không cho cô hưởng số tiền thừa kế này.
|
Ảnh minh họa. |
Khi nói về “bản sao” của chồng mình, người phụ nữ cho biết đó là một kẻ trông rất giống chồng cô nhưng cô dám đảm bảo rằng anh ta không phải người mình từng cưới.
Bệnh án nói rõ, cô M. đã bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm những người thân bị bắt cóc và kiên quyết muốn ly dị với người đàn ông xa lạ đã thay thế chồng mình.
Ngoài ra, cô còn khẳng định phần lớn những người cô từng gặp đều đã bị hoán đổi bởi một người giống hệt, thậm chí “người thay thế” này lại tiếp tục bị hoán đổi thêm một lần nữa.
Đến năm 1942, Joseph Capgras lại tiếp tục gặp được một trường hợp tương tự. Lần này là một cô gái một mực cho rằng bố mình là một kẻ mạo danh.
Tờ Medical Daily cũng từng dẫn một nghiên cứu thực hiện năm 1991 về một người phụ nữ 74 tuổi với những biểu hiện khá giống 2 trường hợp kể trên.
Bệnh nhân này khẳng định chồng mình đã bị thay thế bởi người đàn ông khác do vậy, bà từ chối ngủ với “kẻ giả mạo”, khóa phòng ngủ vào ban đêm.
Chưa dừng lại ở đó, bà còn hỏi xin con trai một khẩu súng và thậm chí đánh nhau với cảnh sát khi được yêu cầu vào viện. Điều kỳ lạ là ngoại trừ người chồng, bệnh nhân vẫn nhận ra các thành viên còn lại trong gia đình.
Năm 2015, CBS News đưa tin, một cụ ông người Pháp có biệt danh B. bất ngờ cho biết ông đã thấy một “người lạ” trong chiếc gương ở phòng tắm.
Theo Neurocase, cụ ông quả quyết rằng “người lạ” có cùng chiều cao, mái tóc, dáng người, mặc trang phục và thậm chí có điệu bộ tương đồng với mình.
Sau đó, ông B. bắt đầu nói chuyện với người lạ và tự hỏi tại sao người ấy biết rõ mình đến vậy. Ông còn chu đáo đến mức chuẩn bị thức ăn, dao dĩa đến trước gương cho cả hai người.
Bình yên chưa được bao lâu, “người lạ” trở nên hung hăng, muốn khiêu chiến. Ông B. đã nói điều này với con gái và ngay lập tức được đưa đến bệnh viện để điều trị.
Vạch trần ảo tưởng
Theo lý giải của các nhà khoa học, tất cả những “người lạ” xuất hiện trong các câu chuyện trên đều xuất hiện bởi một chứng bệnh thần kinh hiếm gặp gây rối loạn nhận diện - hội chứng Capgras, hay còn gọi là “ảo giác nhân đôi” hoặc “người lạ trong gương” theo cách hiểu của từng nhóm người.
Dấu hiệu của bệnh nhân mắc hội chứng Capgras là trạng thái hoang tưởng người gần gũi như vợ, chồng, họ hàng, bạn thân, thậm chí vật nuôi đã bị hoán đổi bởi kẻ mang ngoại hình giống hệt, theo Medical Daily.
Hoang tưởng xảy ra trên một hoặc nhiều đối tượng, có thể kéo dài liên tục hoặc theo đợt. Đôi khi “kẻ giả mạo” được mô tả là người ngoài hành tinh, robot hoặc chỉ đến với mục đích lừa đảo.
Ví dụ một cách đơn giản hơn, hãy thử tưởng tượng vào một ngày đẹp trời, bạn tỉnh dậy với tinh thần hết sức vui vẻ, sảng khoái, việc duy nhất bạn muốn làm là quay sang ôm lấy chồng mình và đặt một nụ hôn lên trán chàng.
Bất chợt bạn nhận ra người kề gối tay ấp - kẻ vừa mở mắt nói câu: “Chào buổi sáng!” ngay bên cạnh bạn là một người hoàn toàn xa lạ.
Dù anh ta có ngoại hình, cử chỉ và cả giọng nói không khác gì người bạn đời thì cặp “thiên lý nhãn” của bạn vẫn đọc vị được những dấu hiệu bất thường.
Chuyện này khiến bạn hoảng loạn, cuống cuồng tri hô, rằng chồng mình đã bị thay thế bởi một người khác, yêu cầu mọi người giao nộp kẻ mạo danh cho cảnh sát và tìm lại “chồng thật” cho bạn.
Đó chính là cảm giác mà những người bị mắc hội chứng Capgras cảm nhận rõ rệt hàng ngày, hàng giờ.
Một số ghi chép cũng cho thấy, việc các bệnh nhân mắc hội chứng này nhìn thấy “người lạ trong gương” với tính cách quỷ quyệt, hung dữ, chỉ chờ cơ hội nhào ra chiếm lấy “bản chính” khiến người thân của họ phải sử dụng vải che gương cũng như các đồ vật phản chiếu khác để tránh làm họ kích động, hoảng loạn.
Dù đã được “gọi tên” theo nhà khoa học đã phát hiện ra nó song nguồn gốc của hội chứng Capgras đến nay vẫn là một ẩn số gây tranh cãi.
Báo chí nước ngoài thông tin, mới đầu các nhà nghiên cứu còn cho rằng hội chứng này chỉ xuất hiện ở nữ giới với 15 trường hợp ghi nhận mắc bệnh đầu tiên đều là nữ.
Nhưng bệnh nhân nam đầu tiên xuất hiện vào năm 1936 đã cho thấy hội chứng Capgras có thể xuất hiện ở cả 2 giới.
Trong khi đó, một thống kê tiến hành năm 1980 cho thấy 1/3 số người bị Capgras là những nạn nhân của tai nạn giao thông hay những chấn thương tâm lý nặng nề.
Còn nhớ, nhân vật Spencer Reid trong series phim truyền hình ăn khách Criminal Mind (tựa việt: Hành vi phạm tội), đã giải thích chứng bệnh Capgras này.
Theo đó, do sự liên kết thần kinh giữa vỏ não thị giác và trung tâm cảm xúc bị cắt đứt nên khi người bệnh nhìn vào người thân yêu sẽ không có bất kì cảm xúc nào được gợi lên.
Tờ Vnexpress cũng nêu một số ý kiến cho rằng quá trình nhận diện đơn giản trong não bị hỏng do hậu quả của đột quỵ, dùng thuốc quá liều hoặc các yếu tố bên ngoài khác. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định vấn đề không nằm ở việc nhận diện khuôn mặt mà xuất phát từ những cảm xúc trong tiềm thức.
Hội chứng Capgras có thể đi kèm với các chứng bệnh tâm thần khác, phổ biến nhất là tâm thần phân liệt và thường xuất hiện ở bệnh nhân bị thoái hóa thần kinh.
Một người phụ nữ 36 tuổi mắc hội chứng này sau khi sinh con. Cô bị ảo giác trong suốt 5 năm và phải được điều trị bằng phương pháp sốc điện qua não.
Được biết có khá nhiều phương pháp chữa trị được đưa ra để xử lý căn bệnh kỳ quái này. Trong đó, tâm lý trị liệu là phương pháp được áp dụng phổ biến và cho thấy hiệu quả khả quan nhất. Mấu chốt của cách trị liệu này là bệnh nhân và bác sĩ cần thực sự tin tưởng nhau. Có như vậy, người bệnh mới dần vượt qua được giai đoạn hết sức khó khăn kia.