‘Họ biết quá nhiều’
Một ngày vào năm ngoái John Evans (tên đã được thay đổi) nhận được thư từ quản lý ở Facebook, thông báo rằng anh sẽ được thăng chức. Ngày hôm sau, khi gặp nhau và đi tới phòng họp, người quản lý vẫn không ngừng khen ngợi thành tích làm việc của anh. Tuy nhiên, chỉ khi cánh cửa phòng mở ra, anh hiểu rằng, mình đang là mục tiêu của đội “bắt chuột” của Facebook.
Việc tra hỏi rất bài bản, khiến Evans không thể chối cãi điều gì. Dựa trên các dữ liệu ảnh chụp màn hình, các đường dẫn Evans đã bấm vào hay chỉ lướt qua và đoạn nói chuyện giữa anh và phóng viên – tất cả đều từ lúc trước khi anh gia nhập Facebook cho tới giờ, đội ngũ an ninh khẳng định anh đã tiết lộ một số thông tin vô hại cho giới truyền thông.
“Thật kinh hoàng khi thấy họ biết quá nhiều như vậy” - Evans nói. “Khi gia nhập Facebook, bạn luôn có cảm giác mình đang thay đổi thế giới và luôn quan tâm tới mọi thứ. Mọi thứ đều rất ấm áp. Nhưng nếu phạm lỗi, bạn sẽ phải đối mặt với đội quân cảnh sát mật của CEO Facebook Mark Zuckerberg”.
Quy tắc bí mật tàn nhẫn
|
CEO Facebook Mark Zuckerberg. |
Hàng tuần, CEO Zuckerberg đều tổ chức các cuộc họp, chia sẻ thông tin chi tiết của những sản phẩm chưa được công bố, các chiến lược trước hàng ngàn nhân viên. Kể cả các nhân viên cấp thấp và các nhà thầu bên ngoài đều có thể thấy những đội nhóm khác đang làm gì bằng phiên bản Facebook nội bộ của công ty.
“Khi lần đầu tiên tới Facebook, bạn sẽ sốc với mức độ minh bạch ở đây. Mọi người đều được tin tưởng với nhiều thứ mà họ không cần phải biết” - Evans cho biết. “Tuy nhiên, nếu làm lộ bí mật, họ sẽ đập bạn bẹp dí như con bọ”.
Với những nhà thầu bên ngoài làm việc cho các công ty công nghệ lớn, quy tắc bí mật còn chặt chẽ hơn rất nhiều. Một người kiểm duyệt nội dung cho Facebook nói với tờ The Guardian rằng, hợp đồng mà anh ký cho phép Facebook có quyền giám sát và ghi lại các hoạt động mạng xã hội, thư điện tử, điện thoại và dữ liệu internet của anh. Ngoài ra, công ty cũng có quyền khám xét túi cặp, xe khi anh đang ở cơ sở của Facebook – việc từ chối khám xét sẽ bị coi là “hành vi xấu”. Tại văn phòng làm việc, việc chụp ảnh, in các thư điện tử, các tài liệu cũng sẽ bị “sờ gáy”.
“Bạn sẽ thấy khi một ai đó in ra một thứ gì đó, ban quản lý sẽ kiểm tra dữ liệu để xem họ đã in những gì” - một cựu nhân viên của Facebook cho biết.
Không chỉ giám sát chặt chẽ, đội ngũ an ninh của Facebook còn sử dụng “bẫy chuột” – những chiếc USB chứa dữ liệu được đặt ngẫu nhiên ở văn phòng để kiểm tra sự trung thành của nhân viên.
“Nếu tìm thấy một chiếc USB hay gì đó, bạn phải giao nộp nó lại ngay. Nếu cắm vào máy tính, nó sẽ phát nổ và bạn sẽ ngay lập tức bị hộ tống ra khỏi tòa nhà” – cựu nhân viên trên tiết lộ thêm. “Mọi người đều lo sợ. Khi nhắn tin cho nhau, chúng tôi sử dụng mật mã nếu cần bàn về công việc hoặc là gặp mặt trực tiếp để bàn luận một cách bí mật”.
Theo The Guardian, các công ty công nghệ cũng sử dụng các cơ quan bên ngoài để giám sát các nhân viên của mình. Một trong số đó là Pinkerton – công ty đang cung cấp dịch vụ cho cả Facebook và Google. Ngoài các dịch vụ giám sát bên trong công ty, Pinkerton còn cung cấp dịch vụ gửi nhà điều tra tới các quán cà phê, nhà hàng gần khuôn viên của công ty để “nghe lỏm” những cuộc nói chuyện của nhân viên.
“Nếu chúng tôi nghe thấy bất kỳ cái gì về sản phẩm sắp ra mắt, các dự án kinh doanh mới hay thứ gì đó liên quan tới cổ phiếu, chúng tôi sẽ gửi các thông tin đó về cho bộ phận an ninh của công ty” – ông David Davari – giám đốc quản lý của Pinkerton – hé lộ.