Theo đó, hành tinh có nhiều mặt trăng quay quanh nhất trong hệ mặt trời chính là sao Mộc. Phát hiện trên được tìm ra trong quá trình quan sát vũ trụ của nhà thiên văn học Scott Sheppard và cộng sự - những chuyên gia thuộc Viện Khoa học Carnegie, Washington D.C, Mỹ.
|
Sao Mộc hay còn gọi là hành tinh khí khổng lồ có tới 92 vệ tinh quay quanh. Ảnh: CNN. |
Báo cáo của nhà thiên văn học Scott Sheppard nêu rõ, nhóm nghiên cứu của ông đã quan sát được thêm 12 mặt trăng quay quanh sao Mộc, nâng tổng số mặt trăng được xác nhận của hành tinh này lên 92. Trước đó, sao Thổ từng giữ vị trí "quán quân" với 83 vệ tinh quay quanh.
Cụ thể, việc xác định rõ 12 mặt trăng mới của sao Mộc mất khoảng 1 năm và nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính viễn vọng Magellan ở Chile để quan sát. Các mặt trăng mới được phát hiện có kích thước nhỏ (từ 1-3,2 km), có quỹ đạo rộng và 9/12 vệ tinh này mất hơn 550 ngày để quay quanh hành tinh khí khổng lồ.
Theo nhà thiên văn học Scott Sheppard, những mặt trăng này từng là tiểu hành tinh bởi chúng có quỹ đạo rộng và quay ngược với hướng quay của sao Mộc, nhưng lại bị cuốn vào lực hấp dẫn của sao Mộc. Đặc biệt, chúng có tốc độ quay tương đương với hành tinh vua.
Liên minh Thiên văn Quốc tế cho phép đặt tên cho bất kỳ mặt trăng nào có kích thước lớn hơn khoảng 2,4km. Như vậy, một nửa số mặt trăng mới khám phá này sẽ sớm được đặt tên bởi Trung tâm Hành tinh Nhỏ - nơi đảm nhận việc theo dõi vị trí của các hành tinh nhỏ, sao chổi và thiên thạch.
Việc nghiên cứu, quan sát và xác định quỹ đạo các mặt trăng xung quanh sao Mộc có thể giúp xác định mục tiêu cho các sứ mệnh khám phá trong tương lai. Được biết, tàu thăm dò Jupiter Icy Moons Explorer của Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ phóng đi vào tháng 4 và sứ mệnh Europa Clipper của NASA dự kiến phóng năm 2024 sẽ tới sao Mộc. Trên đường di chuyển, những tàu thăm dò mới có thể đi quanh các mặt trăng vừa phát hiện.