|
Hạn hán làm phát lộ tàn tích "thị trán ma" dưới lòng hồ Mead. |
Và từ đó, những bí ẩn bất ngờ được cất giấu dưới làn nước từ bấy lâu nay cũng dần được hé lộ như thi thể bên trong thùng rượu, mảnh vỡ của một chiếc máy bay B-29, những mỏ muối thời tiền sử, những thị trấn ma hay những thành phố đã mất...
Thế giới đang hứng chịu những hậu quả khốc liệt của quá trình biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng do những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Lần đầu tiên trong lịch sử, hồ Mead - hồ chứa lớn nhất nước Mỹ đã rơi vào tình trạng thiếu nước...
|
Hồ Mead cạn kiệt nước... |
Hạn hán làm thiếu nước trầm trọng
Hồ Mead là hồ chứa của đập Hoover, được hình thành từ năm 1935 qua quá trình đắp đập trên sông Colorado ở vùng Tây Nam nước Mỹ. Nằm giữa 2 bang Arizona và Nevada của xứ cờ hoa, đây là một trong số hồ nhân tạo lớn nhất trên thế giới. Hồ được đặt theo tên của Elwood Mead - Ủy viên của Cục Khai hoang Hoa Kỳ từ năm 1924 đến năm 1936. Đập Hoover và hồ Mead được hình thành trong quá trình lên kế hoạch xây dựng dự án Hẻm núi Boulder do ông Elwood phụ trách.
Hồ Mead kéo dài khoảng 185 km và nơi sâu nhất khoảng 162m. Với sức chứa khổng lồ hơn 35 tỷ m³, hồ đóng vai trò quan trọng trọng việc cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cũng như nước sinh hoạt cho khoảng 40 triệu người tại các bang phía Tây nước Mỹ và một số vùng của Mexico.
Phần lớn nước trong hồ đến từ mưa và tuyết tan từ Sông Colorado. Do biến đổi khí hậu toàn cầu, lượng băng tuyết tan chảy vào hồ đã giảm đi trong những năm gần đây. Kể từ năm 1983, lượng nước thực của hồ Mead ít hơn rất nhiều so với sức chứa do tình trạng hạn hán kéo dài và nhu cầu nước ngày càng gia tăng.
|
Lòng hồ nứt nẻ... |
Tính đến ngày 9/6/2021, lượng nước còn khoảng 9 tỷ m³, chỉ đạt 26% dung tích lòng hồ. Đây là mức thấp chưa từng có trong lịch sử. Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021 được đánh giá là thời kỳ khô hạn nhất của khu vực trong suốt 1200 năm trở lại đây. Và tình hình có thể sẽ càng nghiêm trọng hơn trong năm nay.
Nguồn nước ngọt dần cạn kiệt trong khi 95% đất đai ở 9 bang của miền Tây nước Mỹ ngày càng cằn cỗi do phải hứng chịu tác động của các đợt hạn hán kéo dài. Van lấy nước số 1 được đặt trong lòng hồ và bắt đầu hoạt động từ năm 1971. Nó cung cấp nước cho 2,2 triệu người dân ở bang Nevada và cả Las Vegas.
Trong suốt hơn 50 năm, van số 1 chưa từng bị lộ ra. Thế nhưng hiện nay, mực nước đã xuống thấp đến mức lần đầu tiên người ta có thể nhìn thấy van nước trên bề mặt hồ. Van số 1 không thể lấy nước buộc cơ quan cấp nước trong khu vực phải khởi động trạm bơm cột nước thấp. Trạm bơm là hệ thống dự phòng do Cơ quan quản lý nước Nam Nevada hoàn thành vào năm 2020 và được sử dụng để lấy nước từ các hồ sâu cung cấp cho khu vực hạ lưu.
Bí ẩn dưới đáy hồ
Những bí ẩn dưới đáy hồ lần lượt lộ ra khi lượng nước cạn dần chỉ còn chưa đến 30%. Ngày 1/5, khi đang chèo thuyền hai vợ chồng nhà Hollister phát hiện một bộ hài cốt bị nhét trong một chiếc thùng ở khu vực bến thuyền Hemenway Harbor, phía Tây Nam của hồ Mead. Danh tính của nạn nhân vẫn chưa thể xác định.
Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng người này đã bị sát hại do có nhiều vết đạn bắn. Dựa theo vật dụng tìm thấy trong thùng, các chuyên gia xác định nạn nhân có thể bị bắn chết từ giữa những năm 1970 đến đầu những năm 1980, tức là khoảng 40 năm về trước. Sau đó, hung thủ nhét xác vào một chiếc thùng rượu và phi tang tại hồ Mead.
|
Một bộ hài cốt trong thùng sắt hé lộ cái chết đầy ẩn ức. |
Đến ngày 7/5, Lindsey Melvin - du khách đến từ ngoại ô Henderson lại phát hiện thêm một bộ hài cốt khác ở vịnh Callville. Ban đầu, Lindsey nghĩ đó chỉ là xương của một con cừu nhưng khi quan sát kỹ hơn cô thấy có hàm răng của người. Cảnh sát đã xác định là bộ xương người nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nạn nhân lần này bị sát hại. Cơ quan điều tra cho biết họ đang nỗ lực xác định danh tính các nạn nhân, mặc dù sẽ tốn khá nhiều công sức.
Hạn hán tiếp tục kéo dài khiến hồ cạn nước dần, các nhà chức trách dự đoán sẽ có nhiều thi thể hơn được tìm thấy trong thời gian tới. Cảnh sát cho biết bên cạnh khả năng bị sát hại, những thi thể dưới hồ còn có thể là những người chết đuối khi bơi và chèo thuyền hoặc nguyên nhân khác.
Theo người dân địa phương, từ lâu đã xuất hiện tin đồn các băng đảng xã hội đen thường chọn khu vực gần hồ Mead để “thanh toán” lẫn nhau. Với địa thế nằm giữa sa mạc hoang vu và chỉ cách thành phố sòng bạc Las Vegas khoảng 30km, hồ Mead là một nơi thích hợp để phi tang chứng cứ và che giấu tội ác.
Phát lộ tàn tích "thị trấn ma" trong lòng hồ
Trước khi hình thành hồ chứa, mảnh đất này từng là nơi sinh sống của nhiều cư dân. Ngoài những bộ hài cốt, lòng hồ Mead còn chứa đựng nhiều tàn tích. Khi nước rút đi, những “Thị trấn ma” và “Thành phố đã mất” sẽ lần lượt hiện ra.
Trong các “thị trấn ma” đã nhô lên khỏi mặt nước có thị trấn St.Thomas là nơi người Mormon từng định cư. St.Thomas nằm ở tiểu bang Nevada được Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ mua lại và bị bỏ hoang trước khi chìm trong làn nước vào những năm 1930. Thời điểm hồ chứa đầy nước, thị trấn bị nhấn chìm ở độ sâu 18m so với mặt nước. Tuy nhiên, khi mực nước của hồ Mead giảm vào những năm 2000, những tàn tích của thị trấn lại nổi lên. St.Thomas từng là một điểm dừng quan trọng trên tuyến đường tiên phong từ Thành phố Salt Lake đến Los Angles.
Trong số các tàn tích tại hồ Mead có “thành phố đã mất” Pueblo Grande de Nevada vẫn còn ẩn mình dưới làn nước. Đây là nơi sinh sống của người Basketmaker vào khoảng năm 300. Sau đó, thành phố bị tổ tiên người Pueblo và các nhóm người khác xâm chiếm. Nhà khảo cổ học Mark Raymond Harrington đã khai quật tàn tích này từ năm 1924.
Ngoài ra, cách St.Thomas 3 dặm về phía Nam còn có những chiếc hang chứa mỏ muối thời tiền sử. Trước kia, thổ dân châu Mỹ từng khai thác muối từ những hang này để chế biến thức ăn và buôn bán. Các hang động được khai quật vào năm 1925 và 1926. Có rất nhiều đồ vật được tìm thấy trong hang như đồ gốm, dép và các vật dụng khác.
Nhà sử học Mark Hall-Patton khẳng định ngoài những tàn tích còn nhiều thứ khác bị nhấm chìm dưới đáy hồ Mead bao gồm chiếc máy bay B-29 bị rơi từ thời Thế chiến thứ II hay những chiếc thuyền bị chìm, những chiếc xe bị ăn trộm và thậm chí cả súng ống. Hạn hán sẽ còn tiếp diễn và có thể sẽ còn có nhiều bí ẩn khác được phơi bày.
Không chỉ riêng miền Tây nước Mỹ mà cả thế giới cũng đang phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ thiên nhiên. Biểu hiện rõ rệt nhất trong thời gian gần đây là dịch bệnh Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, hạn hán cực đoan ở châu Âu, nắng nóng như thiêu đốt tại Ấn Độ và cháy rừng, ngập lụt ở nhiều nơi trên toàn thế giới. Tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử gây nên những thiệt hại nặng nề cả về người và của.
Dù hiện nay thế giới đã có nhận thức tốt hơn về vấn đề bảo vệ môi trường nhưng các hậu quả từ biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp diễn thường xuyên và trầm trọng hơn trong nhiều năm tới.