Thời tiết hôm nay lạnh, hay ấm? Tại sao đài báo trời sẽ rét đậm mà giờ nóng? Đó là những câu hỏi thường nhật của người dân miền Bắc khi dường như mùa đông năm nay lại nóng gần như mùa hè.
Trong một môi trường biến đổi khí hậu hiện nay, một câu hỏi thời sự khi Tết cận kề được nhiều người dân quan tâm, thời tiết sắp tới có gì bất thường?
Để tìm lời lý giải cho vấn đề này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, thời gian gần đây, nhiều người dân băn khoăn về những bản tin dự báo thời tiết dường như không chính xác. Có những ngày đài báo là trời sẽ rét nhưng cuối cùng lại trở nên nóng.
Từ góc độ chuyên môn và với những số liệu khoa học, ông có lý giải như thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Thanh Hải: Thưa quý vị bạn đọc, mùa đông này quả là một mùa đông ấm, rất ấm, có thể nói là rất ấm trong 10 năm trở lại đây.
Tháng 12 vừa qua, chúng tôi tính toán, nhiệt độ cao hơn mức trung bình là 3 độ C. Đây là một con số rất lớn. Hầu hết mọi người đều cảm nhận là nhiệt độ thường oi bức.
Tôi nghĩ rằng, có lẽ rất nhiều người đã thất vọng với thời tiết như vậy. Chúng ta đã chuẩn bị áo ấm để diện cho ngày lạnh, nhưng thực tế thời tiết lại không như vậy.
Tuy nhiên, trên thực tế, dự báo của chúng tôi về một mùa đông ấm đã được đưa ra và cảnh báo từ sớm. Chúng tôi đã công bố thông tin về việc rét đậm, rét hại sẽ ít và ngắn ngày cũng như bão lũ năm nay cũng được cảnh báo là tương tự như năm 1999 . Sau khi kết thúc một đợt El NiNo chuyển sang La Nina, thời tiết trở nên nắng hanh nhiều, chênh lệch giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm rất cao.
Chính vì vậy, các bạn có thể cảm nhận rằng, ban ngày thì như mùa hè nhưng ban đêm thực chất vẫn là mùa đông. Ban ngày có thể lên 25, 26 độ C, nhưng ban đêm chỉ còn khoảng 15, 16 độ C.
|
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia chia sẻ trong chuyên mục Góc nhìn thẳng |
Một điểm nữa chúng tôi cũng muốn giải thích là, giữa mong muốn của mọi người về thời tiết so với thời tiết thực tế thì nó vốn đã có một khoảng cách rồi, còn giữa thông tin dự báo thời tiết so với cái thời tiết thực tế xảy ra sẽ lại có một khoảng cách nữa. Chúng ta thường gọi là các sai số. Tất cả vấn đề sai số này đều có thể xảy ra.
Ví dụ, đối với các đợt gió mùa đông bắc, chúng tôi có dự báo là ban ngày gió mùa về nhưng thực tế ban đêm, gió mùa mới về. Như vậy là, hiện tượng thời tiết đó về muộn mất nửa ngày, nên nửa ngày đó, không khí sẽ trở nên nóng hơn, nhưng khi đêm về, trời lại trở rét.
Với thực tế như vậy, tôi có thể hiểu được những băn khoăn, những điểm chưa được như mong muốn của tất cả mọi người.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, bản sắc của mùa đông là lạnh. Nhưng mùa đông năm nay ngày lại nóng nhiều hơn là ngày lạnh. Vì sao chúng ta lại có một mùa đông khác biệt như vậy?
Ông Lê Thanh Hải: Chúng ta có thể thấy, yếu tố đầu tiên chính là biến đổi khí hậu. Tất cả mọi người đều cảm thấy hầu như không còn mùa đông nữa, hoặc mùa đông đến trễ.
|
Mùa đông ấm nên đào nở sớm (ảnh: Đoàn Bổng) |
Một điểm nữa, chúng ta thấy là liên tiếp 2 năm trời rất ấm là năm 2014 và 2015 và do vậy, mong muốn năm 2016 này, mùa đông sẽ lạnh hơn nhưng thực tế không như vậy. Mặc dù trong một năm rất ấm như năm ngoái thì lại có 1 tháng rét kỉ lục như tháng 1. Khi đó, chúng tôi ghi nhận miền Bắc có tới 40 địa điểm có băng tuyết.
Vậy là, rõ ràng các biến động về một mùa, biến động về thời tiết càng ngày càng xảy ra có tính chất gay gắt hơn. Mùa thì đến muộn, mùa mưa kéo dài, mùa bão xuyên suốt từ năm này sang năm khác. Tất cả các việc đó đều là biểu hiện của biến đổi khí hậu.
Nhà báo Phạm Huyền: Còn nhớ, mùa đông năm ngoái tại Hà Nội và miền Bắc đã trải qua tới 4 đợt rét đậm và rét hại, nhiệt độ của Hà Nội có lúc xuống tới 5- 6 độ C, thấp ở mức kỉ lục trong vòng 40 năm. Liệu trong thời gian tới, thời tiết ở ta sẽ có những đợt khắc nghiệt như vậy hay không?
Ông Lê Thanh Hải: Trong cảnh báo lớn nhất của chúng tôi về 6 tháng đầu năm cho thấy, mùa đông năm nay (2017) tiếp tục là mùa đông ấm với các đợt rét đậm, rét hại ít hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa vẫn còn tiếp tục kéo dài.
Thậm chí chúng ta còn thấy ngay từ tháng Giêng, có thể tuần sau thôi, sẽ có cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông.
Và một vấn đề đáng lưu ý nữa là các đợt mưa trái mùa ở Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ năm nay cũng sẽ nhiều hơn so với các năm khác. Như vậy, những biến động về thời tiết cũng đang và sẽ hiển hiện trong 6 tháng đầu năm nay với rất nhiều cung bậc khác nhau, mức độ cũng sẽ khó lường hơn.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, với những hiện tượng thời tiết hết sức cực đoan, nóng là lạnh ở mức kỷ lục, khắc nghiệt như vậy, ông có khuyến cáo như thế nào với người dân?
Ông Lê Thanh Hải: Trong một bối cảnh mà hiện tượng biến đổi khí hậu đang xảy ra, hiện hữu hàng ngày với biểu hiện như là mùa bị kéo dài ra, mưa nhiều trong mùa khô, mưa ít trong mùa mưa và rất nhiều các biểu hiện khác như nắng nóng kỷ lục, rét kỷ lục... thì theo chúng tôi, việc đơn giản nhất cần làm là mọi người hãy theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, nhiều khi chiều hôm trước chúng tôi dự báo là ngày mai rét, nhưng sáng sớm hôm sau chúng tôi phải điều chỉnh bản tin là không rét bằng như dự báo hôm trước.
Như vậy chúng ta phải theo dõi chặt chẽ, cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo, đặc biệt là cảnh báo thiên tai.
Hiện nay, bên cạnh các hiện tượng thiên tai chúng ta có thể dự báo xa được, ví dụ như hạn hán, xâm nhập mặn, chúng ta có thể dự báo trước 6 tháng nhưng với những hiện tượng thiên tai bất thường như giông tố, lốc, sét, mưa đá, chúng tôi chỉ có thể đưa ra cảnh báo trước từ 3 – 6 tiếng.
Một số các hiện tượng rét đậm, rét hại cũng có thể đưa ra được cảnh báo từ 5 – 10 ngày trước, nhưng ngoài 10 ngày, sẽ có những giới hạn nhất định của khoa học. Vì dự báo càng xa, độ chính xác của nó càng thấp.
Nhà báo Phạm Huyền: Tại thời điểm này, 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, ông có thể nói gì về thời tiết Tết sắp tới?
Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi có thể nói rằng, Tết năm nay sẽ diễn ra trong bối cảnh vừa có ấm lại vừa có rét.
Ví dụ như ngay tuần sau, chúng ta sẽ đón một đợt rét đậm đầu tiên nhưng rất tiếc nó không kéo dài, chỉ diễn ra từ giữa tuần cho đến cuối tuần thôi. Sau đó, sẽ là một đợt thời tiết rất ấm. Chúng tôi cũng hi vọng đến đúng ngày Tết sẽ lại gặp đợt rét đậm nữa.
Như vậy, vào đúng dịp chúng ta nghỉ Tết, miền Bắc sẽ có thể có nhiều ngày rét đậm, rét hại hơn. Tôi cũng xin lưu ý, trong dịp Tết này, người dân sống ở các tỉnh phía Nam vẫn phải đề phòng có những cơn bão trái mùa, cơn bão cuối mùa, tức là từ mùa trước lan sang mùa sau. Những đợt mưa rào và giông bất thường, trái mùa cũng sẽ xảy ra trong dịp Tết này.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn những thông tin bổ ích mà ông đã chia sẻ với chúng tôi!