Cuốn tiểu thuyết huyền thoại Khi loài vật lên ngôi (tên tiếng Anh: War with the Newts) của nhà văn Czech Karel Čapek (1890 -1938) là một tác phẩm châm biếm sâu cay về sự lựa chọn giữa thảm họa sinh thái và việc thực hiện các mục tiêu kinh tế của con người. Nó xứng đáng được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Mở đầu cuốn tiểu thuyết, khi thuyền trưởng từng trải và tài ba tên là von Toch phát hiện ra một giống sa giông hình thù xấu xí, nhút nhát nhưng rất thông minh ở vùng Polynesia xa xôi, ông nhận ra rằng, chỉ với một chút huấn luyện, ông có thể sai khiến chúng mò lặn ngọc trai ở những vùng biển sâu nhất. Và từ đó, viên thuyền trưởng đã tận dụng mọi cơ hội mang những "thợ lặn" của ông ta đi khắp các vùng biển Thái Bình Dương để mò ngọc trai.
|
Nhà văn Karel Capek. Ảnh: NN. |
Trước đó thì cá mập luôn luôn kiểm soát dân số sa giông, giờ đây, thuyền trưởng von Toch đã sử dụng vũ khí bắn chết hàng loạt cá mập để những sinh vật sinh lời của ông dễ dàng sinh sôi. Vì một lẽ, càng nhiều sa giông thì sẽ có càng nhiều ngọc trai, dòng tiền chảy về càng mạnh mẽ. Nhưng lòng tham lúc đó cũng không ngừng lớn mạnh, von Toch nhận ra những công nhân không biết mệt mỏi này đặc biệt phù hợp với việc xây dựng dưới nước và có thể được sử dụng hiệu quả cho các dự án kỹ thuật của con người. Ông chia sẻ tầm nhìn của mình với một nhà lãnh đạo trong thế giới công nghiệp và thương mại.
Và thế là một đế chế kinh doanh sa giông ra đời, sở hữu và giao dịch hàng triệu sa giông trên toàn cầu. Sinh vật mới thúc đẩy nền kinh tế thế giới với tốc độ không tưởng. Đồng thời, với lực lượng lao động mới, các quốc gia cũng thi nhau tuyên bố quyền sở hữu với các vùng biển và đại dương. Dân số loài này bùng nổ và dần đến ngưỡng mất kiểm soát.
|
Tác phẩm Khi loài vật lên ngôi, Karel Capek, Đăng Thư dịch. Ảnh: NN
|
Cùng với đó, các vấn đề triết học phát sinh: Sa giông có linh hồn hay chăng? Các câu trả lời không thể đi đến nhất quán: Có người cho rằng sa giông không có ý thức về danh dự hay lòng yêu nước; người thì quan sát rằng sa giông không có âm nhạc; người khác nữa thấy chúng không có sức hấp dẫn giới tính. Vì ba “tội danh” trên, sa giông bị cho là sinh vật không có linh hồn. Tuy nhiên, một bậc thầy tâm linh đến từ Ấn Độ lại đưa ra nhận xét: Sa giông cũng có linh hồn như mọi muông thú, cỏ cây khác. Cuốn tiểu thuyết đưa chúng ta đến mọi câu hỏi lớn nhỏ như thế, hết sức duyên dáng và tài tình, trong một mê cung câu chuyện đan cài hợp lý.
Những cuộc đấu tranh giữa con người nổ ra với sự phổ biến của loài sinh vật mới. Có người đòi hỏi sa giông nhận được một nền giáo dục thích hợp. Hiệp hội phòng chống đối xử tàn ác đối với động vật và các tổ chức ủng hộ sa giông khác cố gắng bảo đảm loài này không bị đối xử tàn nhẫn hoặc vô nhân đạo. Câu hỏi thần học lớn nảy ra: Có thể rửa tội cho sa giông được không? Giáo hội Công giáo nói không vì chúng không phải là hậu duệ của Adam. Tuy nhiên, các nhà thờ Tin lành vẫn tranh thủ phân phát nhiều triệu bản Kinh thánh bằng giấy không thấm nước cho sa giông và một vài giáo phái lập dị cố gắng rửa tội cho loài vật mới này.
Sa giông dần trở thành một giống loài tương đương với con người! Có những hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh về tình trạng này, nhưng các chính phủ và các tập đoàn thương mại đơn giản là không thể dừng lại việc lạm dụng sa giông. Loài người đã trở nên phụ thuộc vào chúng: Nếu không có sa giông làm việc thì 20% các nhà máy trên toàn thế giới sẽ bị buộc phải đóng cửa, gây ra thảm họa kinh tế chưa từng có. Mọi thứ đã đi đến hồi không thể cứu vãn.
Theo cuốn tiểu thuyết, độc giả sẽ thấy trong thế giới giả tưởng rất gần với thật tưởng, toàn bộ khuôn mặt của hành tinh xanh đã bị thay đổi! Karel Čapek thành công trong việc châm biếm cách con người chúng ta có thể sẵn sàng hy sinh sự kiên định, lòng trắc ẩn và sự tôn trọng đối với sự cân bằng của tự nhiên trong hành trình tìm kiếm sự tự tôn của mình thông qua việc tôn thờ chủ nghĩa dân tộc, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự.
Độc giả yêu thích thể loại châm biếm sẽ không thể bỏ qua cuốn sách này. Không nơi nào chúng ta có thể tìm thấy một mô tả đúng và trúng hơn về nhân loại với lòng tham vô biên, sự cố chấp, thiển cận và vô minh như vậy.
Cuốn sách này bao quát gần như toàn bộ các khía cạnh của xã hội. Karel Čapek châm biếm tất thảy khoa học, học thuật, giáo dục, kinh doanh, chính trị, luật pháp, tôn giáo, triết học, nạn phân biệt chủng tộc, báo chí, và mọi đặc điểm xấu xa của bản chất con người. Sâu cay nhưng lúc nào cũng hài hước. Nhưng chúng ta có thể khóc thay vì cười khi nhận ra rằng không nhiều điều thay đổi tích cực kể từ năm 1936 - thời điểm cuốn sách được viết ra.