(Nguồn: Bild.de)
Ngày 23/6, Tòa án Tư pháp Liên bang Đức (BGH) đã yêu cầu Tập đoàn công nghệ Facebook chấm dứt việc hợp nhất dữ liệu được thu thập qua các công ty con như Whatsapp và Instagram hoặc các trang web khác, trừ khi có sự đồng thuận rõ ràng của người dùng.
Với phán quyết này, BGH đã tỏ lập trường đứng về phía Cơ quan quản lý cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng Đức (FCO).
Năm 2019, cơ quan này đã ra một quyết định mang tính bước ngoặt yêu cầu Facebook kiểm soát việc thu thập dữ liệu, song hãng này đã kháng cáo.
Trong phiên tòa ngày 23/6, BGH kết luận Facebook đã lạm dụng ưu thế trên thị trường để ép người dùng cho phép tập đoàn này thu thập dữ liệu cá nhân.
Phán quyết yêu cầu Facebook tuân thủ mệnh lệnh của FCO, trong khi đơn kháng cáo thuộc quyền xử lý của tòa án cấp thấp hơn.
Về phần mình, Facebook cho biết sẽ không điều chỉnh chính sách với người dùng tại Đức ngay lập tức và nhấn mạnh quá trình kháng cáo vẫn đang tiếp diễn.
Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm rằng công ty không vi phạm quy định chống độc quyền.
Là mạng xã hội lớn nhất tại Đức với hơn 23 triệu người dùng, tương đương 95% thị phần, các chính sách bảo mật của Facebook từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của nhà chức trách Đức.
Tháng 2/2019, cơ quan quản lý cạnh tranh trên chỉ trích “đại gia” công nghệ Mỹ vì đã đưa việc thu thập dữ liệu "trên thực tế không hề bị hạn chế" vào các điều khoản sử dụng của Facebook, theo đó người dùng chỉ có 2 lựa chọn: hoặc cho phép Facebook thu thập dữ liệu, hoặc không thể sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới.
Theo FCO, Facebook sử dụng dữ liệu thu thập qua các công ty con như Whatsapp, Instagram và các website bên thứ 3 để xây dựng hồ sơ người dùng phục vụ các quảng cáo cá nhân hóa, một nguồn thu quan trọng của tập đoàn.
Do đó, FCO đã yêu cầu công ty này dừng thu thập thông tin từ các nền tảng trong và ngoài Facebook trừ khi được người dùng tự nguyện cho phép.
Đồng thời, Facebook cũng không được loại người dùng khỏi các dịch vụ nếu họ từ chối cấp phép thu thập dữ liệu. Phản đối quyết định của FCO, Facebook khi đó cho rằng cơ quan chống độc quyền này đã đặt ra các quy tắc áp dụng cho "riêng một công ty duy nhất" và đánh giá thấp sự cạnh tranh từ các đối thủ của mạng xã hội này.
Phán quyết mới của BGH đã nhận được sự đồng tình của người đứng đầu FCO Andreas Mundt.
Ông Mundt khẳng định trong trường hợp một công ty thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu, cần có các biện pháp can thiệp để ngăn chặn hành vi lạm dụng lợi thế thị trường.
Được xem là cuộc đấu pháp lý đầu tiên giữa một quốc gia và Facebook, những diễn biến gần đây tại Đức thu hút sự chú ý đặc biệt cả trong và ngoài nước, trong bối cảnh gia tăng những lo ngại về sức mạnh của các tập đoàn công nghệ khổng lồ.
Trong những năm gần đây, Facebook liên tục hứng bão chỉ trích về chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng.
Năm 2018, công ty này đã hợp nhất dữ liệu của 10 triệu người dùng, những thông tin này có liên quan đến vụ bê bối của công ty tư vấn Cambridge Analytica (Anh) trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump./.