Theo Latimes, khi nói đến kinh doanh, không thể phủ nhận người đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg là một người nhìn xa trông rộng. Tuy nhiên, những khả năng xuất chúng của Mark Zuckerberg đã bị lung lay khi những vấn đề xã hội và văn hóa ở thế giới thực rò rỉ vào Facebook.
Sau khi có những tranh luận về việc những tin tức giả mạo trên Facebook đã gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016, nhiều người cho rằng ông Zuckerberg dường như chưa nhận ra được sức mạnh thực sự của Facebook.
|
Người đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg. |
Hôm 24/9, tờ Washington Post đưa tin, ông Barack Obama khi còn là Tổng thống Mỹ đã từng cảnh báo Zuckerberg về những tác động mà Facebook có thể gây ra khi để lan truyền những thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Đáp lại, Zuckerberg nói với ông Obama rằng tin tức giả mạo không có nhiều trên Facebook.
Ông Zuckerberg cũng từng khẳng định, ý tưởng Facebook và các thông tin giả mạo ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ 2016 là điên rồ.
Không chỉ vậy, mới đây thôi, Facebook đã mất cảnh giác khi để một số người đăng quảng cáo có ý bài xích người Do Thái. Những người điều hành Facebook đã không hay biết về vụ việc cho tới khi một tờ báo phát hiện ra.
Nhiều nhóm khủng bố được xuất hiện rất lâu trên Facebook để tuyên truyền những nội dung cực đoan trước khi bị đẩy ra khỏi nền tảng này. Thậm chí đã xuất hiện nhiều trường hợp người dùng sử dụng Facebook để đăng trực tiếp những hành vi bạo lực. Nói cách khác, những khía cạnh tăm tối nhất của nhân loại đã chiếm được một “miếng đất” trên Facebook.
Jennifer Stromer-Galley, giáo sư nghiên cứu thông tin tại Đại học Syracuse cho hay: "Họ rất giỏi trong kinh doanh, nhưng thực sự tồi tệ khi không nhận ra được ảnh hưởng của Facebook đối với xã hội. Có thể hiểu rằng công ty này đã quá lớn và phức tạp nên có những nơi không được chú ý đến”.
Theo Latimes, cho đến nay, Facebook đang phải chạy theo để “chữa cháy” mỗi khi có vấn đề gì đó phát sinh nhằm giảm bớt sự chỉ trích hay các cuộc tranh luận về vai trò của Facebook trong xã hội.
Các chuyên gia cho rằng nhiều công ty công nghệ Mỹ đang quen với việc gây lỗi trước rồi xin lỗi sau với lý do họ đang sở hữu công nghệ phức tạp và mô hình kinh doanh mới mẻ.
Bà Valerie Alexandra, một giáo sư kinh tế tại bang San Diego cho hay: "Một trong những cách giải thích phổ biến nhất mà chúng ta nghe được từ ngành công nghệ cao là họ đang kinh doanh một ngành mới hay đang điều hành một công nghệ hiện đại phức tạp nên rất khó kiểm soát”.
Bà nói thêm: "Nhiều người cho rằng vì internet và các nền tảng truyền thông xã hội đang ở giai đoạn tương đối mới và đang phát triển nên vẫn còn rất nhiều khu vực màu xám, nơi những thứ hợp pháp và bất hợp pháp, đạo đức và phi đạo đức vẫn còn bị lẫn vào nhau".
Trước những vấn đề phát sinh, mhiều người đang kêu gọi coi Facebook là một công ty truyền thông chứ không phải là một mạng xã hội nhằm buộc Facebook phải thực hiện các tránh nhiệm pháp lý đối với những nội dung xuất hiện trên mạng xã hội này. Một số nghị sĩ còn đang cân nhắc cho ra đời một dự luật đòi hỏi Facebook phải minh bạch hơn đối với các quảng cáo mang tính chính trị.
Sarah T. Roberts, giáo sư nghiên cứu thông tin tại Đại học California, Los Angeles cho hay: “Các công ty công nghệ không thiếu tầm nhìn, không thiếu sự sáng tạo để tạo ra doanh thu. Nhưng tầm nhìn của họ sẽ bị cản trở khi có sự can thiệp từ bên ngoài hay những hành vi sử dụng bất chính khác".
Theo ông, Zuckerberg cần phải thuê thêm các nhà khoa học xã hội chứ không phải là các kỹ sư nếu muốn tránh những tranh cãi tương tự trong tương lai.