Một trong những vấn đề nan giải nhất cho tới nay vẫn chưa được giải quyết ổn thoả giữa Anh và EU khi xử lý việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit), là giao thương ở khu vực biên giới giữa Ireland (thành viên EU) và Bắc Ireland (hiện do Anh quản lý). Trong bối cảnh tình hình như thế lại bùng lên chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Anh và Ireland ở nơi khác.
Giữa Đại Tây Dương, ở cách xứ Scotland thuộc Anh về phía nam khoảng 310 km và cách Ireland khoảng 420 km có một tảng đá nhô cao lên khỏi mặt nước biển 17,5 mét, rộng 25 mét và dài 31 mét.
Theo cách tính phạm vi chung của luật pháp hiện hành trên thế giới thì tảng đá này, phải gọi như thế mới đúng vì nó chỉ là một tảng đã granit, xưa nay ít người đặt chân lên, nằm ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Scotland.
Năm 1955, Anh ban hành bộ luật với nội dung coi tảng đá này thuộc chủ quyền Anh, cho dù không có được bất cứ bằng chứng lịch sử nào xác nhận là phía Anh có chủ quyền đối với tảng đá này và đã thực thi chủ quyền ấy trên thực tế.
Theo luật pháp hiện hành của Liên Hợp quốc thì một tảng đá không có người dân sinh sống thì không thể có được vùng được coi là thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế ở xung quanh.
Mời quý vị xem video: Hòn đảo đặc biệt - ngôi nhà của toàn thỏ
Thế nhưng năm 1972, phía Anh vẫn thông qua bộ luật mới quy định vùng đặc quyền kinh tế của Anh ở xung quanh tảng đá này. Như thế có thể nói là chẳng có luật pháp quốc tế nào quy định cụ thể cho tảng đá này ngoài xác nhận nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Anh mà chỉ có luật đơn phương của Anh. Một khi những luật đơn phương này của Anh không dựa trên và không phù hợp với luật pháp quốc tế, thì không thể nói là nó có giá trị về luật pháp quốc tế.
Tảng đá này có tên gọi là Rockall. Chính phủ Ireland không công nhận chủ quyền của phía Anh đối với tảng đá, nhưng cũng không tuyên bố có chủ quyền đối với nó. Điều duy nhất chính phủ Ireland quả quyết là nó “cô đơn”, vô chủ, nên việc đánh cá ở khu vực biển xung quanh nó được tự do cho tất cả mọi người.
Không ai tính chuyện khai thác nguồn tài nguyên nào đấy ở phía dưới tảng đá vì không biết dưới đấy có gì và nếu có gì giá trị thì cũng không thể tiến hành khai thác được. Tức là ở đây chính phủ Ireland tự đặt ra cái lệ là có thể tự do đánh cá được ở khu vực xung quanh tảng đá, bất chấp mọi luật pháp hiện hành của Anh.
Cái lệ này trong thực chất chẳng khác gì không phải lệ bởi cũng chẳng thấy có tồn tại ở nơi nào khác trên thế giới và cũng còn là mắc mớ duy nhất trên biển giữa Ireland và Anh.
Nó tạo nên một cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vừa thật vừa giả, vừa có lý vừa vô lý, vừa dễ giải quyết lại vừa không thể giải quyết được. Trong những ngày vừa qua, tàu thuyền đánh cá của Ireland khai thác hải sản ở khu vực xung quanh tảng đá này nhưng phía Anh chỉ lên tiếng nhắc nhở phía Ireland chứ không cử ngay lực lượng quân đội ra cản phá như đã từng hành động với ngư dân Pháp ở eo biển Manche.
Phía Anh phải kiềm chế vậy bởi cơ sở pháp lý quốc tế có được thuận cho chủ quyền của Anh đối với tảng đá rất mong manh, và dư luận bên ngoài càng để ý đến vụ việc thì hệ thống lập luận của Anh cho chủ quyền đối với tảng đá rất dễ đổ sụp.
Phía Ireland cũng không làm to chuyện vì “ngậm miệng ăn tiền” mới là thượng sách, bởi một khi đã không nêu ra đòi hỏi chủ quyền đối với tảng đá này thì không thể đấu đòi chủ quyền đối với nó được.
Một khi để cho quốc tế phân định thì chưa biết bên nào sẽ thắng hay thua, nhưng về lý thuyết không thể loại trừ khả năng bị thua.
Vì thế, cứ để cho vô luật và vô lệ này đấu với nhau là có lợi nhất cho cả Anh lẫn Ireland, ít nhất thì cũng trong bối cảnh tình hình hiện tại liên quan đến việc nước Anh ra khỏi EU và biên giới giữa Ireland và Anh rồi sẽ trở thành biên giới giữa EU và Anh.