Để chơi bất kỳ trò chơi nào, chúng ta phải nắm được những quy tắc cơ bản của trò chơi đó. Nhưng không chỉ việc tham gia trò chơi đem lại sự thú vị cho bạn, chính quá trình học hỏi và nắm vững các quy tắc tự thân nó cũng có sự hấp dẫn riêng.
Do đó, các nhà khoa học đã sử dụng nguyên tắc này để nghiên cứu khả năng học hỏi của động vật.
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Kyoto ở Nhật dẫn đầu. Họ đã “làm việc” với 7 chú tinh tinh thuộc cả hai giới và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tất cả chúng đều là “cư dân” của Viện nghiên cứu linh trưởng của trường đại học và đều quen thuộc với các bài tập do máy tính kiểm soát.
Mặc dù bàn tay tinh tinh phức tạp hơn con người chúng ta, nhưng chúng không biết tạo ra những tín hiệu bằng tay mà chúng ta hay dùng để chơi trò chơi. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã thiết kế những hình ảnh của kí hiệu trò chơi trên màn hình máy tính, những kí hiệu này được biểu diễn bằng cả tay người và tay tinh tinh.
|
Tinh tinh đang học chơi trò chơi (Ảnh: Gao và các cộng sự). |
Mỗi bức ảnh thể hiện hai trong ba tín hiệu tay trong trò kéo – búa – bao, và tinh tinh phải chỉ ra chúng thuốc tín hiệu nào: bao và búa, kéo và giấy hay búa và kéo. Sau đó quá trình học tập được bắt đầu.
Tinh tinh được cho ngồi trên một chiếc ghế thử nghiệm thoải mái, chúng sẽ chọn đáp án bằng cách nhấn vào màn hình. Nếu chính xác, sẽ có âm thanh vang lên và chúng sẽ được thưởng một miếng táo, nếu chọn sai chúng không nhận được gì cả.
Mỗi thí nghiệm sẽ bao gồm 48 lần đoán, tinh tinh được học ba lần một ngày. Những tín hiệu này sẽ được trộn lẫn một cách phức tạp để qua thời gian tinh tinh sẽ dần nhận ra được mối liên hệ giữa chúng.
Sau thí nghiệm, có 5 trong 7 chú tinh tinh đã hoàn thành toàn bộ chương trình đào tạo. Chúng đã nắm vững những tín hiệu cho dù được biểu diễn bằng tay của con người hay của đồng loại chúng. Trung bình phải trải qua 307 buổi đào tạo để một con tinh tinh thành thạo trò chơi này.
Để so sánh khả năng học tập của tinh tinh với những đứa trẻ, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm tương tự. Họ cũng tổ chức giảng dạy bộ quy tắc trò chơi kéo – búa - bao cho 38 trẻ trước độ tuổi đến trường, từ 3 đến 6 tuổi.
Việc chuẩn bị và thực hiện cũng tương tự, ngoại trừ những thí nghiệm này được thực hiện ở trường mẫu giáo. Những đứa trẻ không được thưởng một miếng táo khi chọn đúng - chỉ có âm thanh vang lên và hình ảnh một chú tinh tinh mỉm cười xuất hiện trên màn hình nhưng các em sẽ nhận được một phần thưởng nhỏ sau thí nghiệm.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Sau khi làm xong bài tập, trẻ nhận được những miếng dán hoạt hình như phần thưởng cho sự tham gia của mình, bất kể chúng chọn đúng hay sai”.
So với tinh tinh, hầu hết trẻ em nắm bắt các quy tắc khá nhanh, trung bình chúng chỉ cần 5 đến 12 buổi thử nghiệm. Nhưng sự thành công này lại liên quan chặt chẽ đến độ tuổi. Tất cả những đứa trẻ dưới 4 tuổi không hề nắm được quy tắc và hầu như không đưa ra được lựa chọn đúng nào.
"Việc nhận biết này thật sự khó khăn đối với những đứa trẻ dưới mốc quan trọng: 4 tuổi", nhóm nghiên cứu kết luận. Họ cũng đưa ra giả thiết rằng, có lẽ những đứa trẻ lớn hơn đã quen thuộc với trò chơi này.
Nhìn chung, sau khi thu thập dữ liệu, các nhà nghiên cứu kết luận: một khi tinh tinh đã học được những điều cơ bản, chúng có thể nắm vững trò chơi kéo – búa – bao tốt như những đứa trẻ vậy.
Nhà nghiên cứu hàng đầu Jie Gao cho biết: "Những lựa chọn của tinh tinh trong các buổi thử nghiệm cũng tương tự như sự thể hiện cũng những em nhỏ 4 tuổi”.
Kết quả của nhóm nghiên cứu dựa trên những điều tra về việc động vật có thể tự học những mối quan hệ xoay vòng như thế nào - có từ trước. Họ hy vọng rằng sẽ có thể đặt nền móng cho các cuộc nghiên cứu tiếp theo về chủ đề này.
Về phần độc giả, chúng ta có quyền tưởng tượng rằng ở một nơi nào đó trong các khu vui chơi ngoài trời của Viện ở Kyoto, một nhóm tinh tinh hiện đang chơi trò kéo – búa - bao để xác định ai sẽ được uống loại nước ép ngon nhất cho bữa trưa.