Năm 2016, hành khách trên chuyến bay từ Sydney tới Avalon (Australia) của hãng Jestar đã có phen hoảng hốt khi một phụ nữ định mở cửa cabin khi máy bay đang ở trên không. Phi hành đoàn đã kịp thời khống chế nữ hành khách này, và cô lập tức bị bắt giữ khi máy bay hạ cánh.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cô ấy thành công? Nếu có người mở cửa máy bay chở khách ở độ cao lớn, cabin sẽ bị giảm áp đột ngột và tất cả trở nên hỗn loạn.
|
Giảm áp đột ngột có thể gây ra tai nạn chết người. Ảnh: Travel & Leisure. |
Ngay cả các vụ giảm áp từ từ - xảy ra khoảng 40-50 lần một năm - cũng có thể gây tai nạn chết người. Năm 2005, một chiếc Boeing 737 của Helios Airways gặp nạn sau khi cabin mất áp suất, khiến 121 người thiệt mạng. Phi hành đoàn không thể hoạt động do thiếu oxy ở độ cao 9.100 m, hệ thống lái tự động điều khiển cho tới khi máy bay hết nhiên liệu và rơi xuống.
Trong trường hợp máy bay bị giảm áp, mặt nạ oxy (đủ duy trì nhiều phút) sẽ được thả xuống từ trần máy bay để giúp chống lại chứng giảm oxy (gây suy nghĩ không tỉnh táo, thị giác giảm sút, bất tỉnh và sau đó là tử vong). Ở khoang lái, phi công sẽ nhanh chóng đeo mặt nạ và cho máy bay hạ xuống độ cao an toàn (khoảng dưới 3.000 m).
|
Mặt nạ dưỡng khí khẩn cấp của phi công. Ảnh: Aviationweek. |
Giảm áp đột ngột - tình trạng xảy ra khi cửa máy bay bất ngờ bị mở ra - lại là chuyện khác. Bất cứ ai đứng gần cửa sẽ bị hút bay ra ngoài. Nhiệt độ cabin sẽ nhanh chóng giảm xuống mức lạnh cóng. Máy bay có thể sẽ bắt đầu nứt gãy.
Năm 1988, một chiếc Boeing 737 của hãng Aloha Airlines với 90 hành khách đang trên đường tới Honolulu (Hawaii, Mỹ) thì trần máy bay bị thủng ở độ cao hơn 7.000 m. Hậu quả là áp suất giảm đột ngột khiến một mảng trần lớn văng ra, hút theo tiếp viên 57 tuổi tên Clarabelle Lansing. May mắn là các hành khách đều đã thắt dây an toàn và phi công đã hạ được cánh sau 13 phút. Hàng chục vụ việc tương tự đã diễn ra, và thường có kết cục thảm họa.
Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, tình trạng này sẽ không xảy ra chỉ vì một hành khách muốn có chút không khí thoáng mát. Lý do rất đơn giản: không thể mở cửa máy bay trong lúc đang ở trên không trung.
Ông Patrick Smith, phi công kiêm tác giả cuốn Cockpit Confidential, cho biết: “Áp suất trong cabin không cho phép điều đó. Hãy tưởng tượng cửa máy bay giống như một nút chặn được giữ ở vị trí đó nhờ áp suất bên trong. Hầu hết các cửa máy bay đều mở theo hướng vào trong. Một số cuốn lên trần, một số hướng ra ngoài, nhưng chúng thường được kéo vào trong trước”.
|
Việc mở cửa lúc máy bay đang ở trên trời là hoàn toàn không thể. Ảnh: Pro.net.mk. |
Ở độ cao bay thông thường, áp lực lên phần trong thân máy bay là 0,5 kg/cm2, tức là hơn 5.370 kg/m2 cửa. Do đó, ngay cả lực sĩ cũng không mở nổi cửa. Còn ở độ cao thấp hơn khi áp suất cabin giảm xuống thì sao?
Theo ông Smith, khi áp lực chỉ còn 0,1 kg/cm2, con số này cũng vượt quá khả năng của người thường, “ngay cả khi đã uống 6 cốc cà phê và ngồi cạnh một đứa trẻ quấy nhiễu”. Cửa thường có nhiều chốt điện tử và cơ học. Để mở được chúng, bạn cần tới kích thủy lực - thứ an ninh không cho phép đem lên máy bay.
Một trường hợp ngoại lệ đã xảy ra, trong đó hành khách mở được cửa máy bay khi ở trên trời. Năm 1971, người tự xưng Dan Cooper khống chế một chiếc Boeing 727, đòi 200.000 USD tiền chuộc. Sau đó, Cooper nhảy dù ra khỏi cửa gần đuôi máy bay và mất tích. Tuy nhiên, trước đó anh ta đã yêu cầu phi công giảm áp máy bay.
Một năm sau, máy bay được lắp thêm các “van Cooper” để đóng hoàn toàn cửa máy bay trong lúc càng hạ cánh chưa bung ra. Các vận động viên nhảy dù và lính không quân có thể nhảy ra khỏi cửa là do máy bay đó không được tăng áp.
Trên mặt đất, khi máy bay đang chạy trên đường băng, cửa vẫn có thể được mở ra. Kèm theo cửa là thang thoát hiểm khẩn cấp. Khi một máy bay đến cổng đón khách, đôi khi bạn sẽ nghe phi hành đoàn thông báo “doors to manual” - hiệu lệnh vô hiệu hóa khả năng bung ra của thang thoát hiểm. Lực tác động từ thang khi bung ra có thể làm chết người. Thảm họa sẽ xảy ra nếu chúng văng trúng cầu đón khách hay xe cấp đồ ăn.