Hẳn ai trong chúng ta cũng từng 1 - 2 lần trải nghiệm hiện tượng thấy điện thoại trong túi rung lên nhưng khi kiểm tra lại không hề có tin nhắn hay cuộc gọi nào.
Phải chăng chiếc điện thoại đang "trêu ngươi" chủ nhân chúng? Bạn cho rằng não mình vừa tưởng tượng ra 1 điều không có thật.
Và theo các nhà khoa học, thủ phạm gây ra hiện tượng "điện thoại ma" này có tên là "hội chứng tưởng tượng rung điện thoại" (Phantom Vibration Syndrome - PVS).
|
Ảnh minh họa. |
Một cuộc khảo sát quy mô nhỏ với sự tham gia của 260 sinh viên Mỹ mới đây cho thấy, gần 80% sinh viên phản hồi rằng họ thỉnh thoảng cảm thấy điện thoại rung trong khi không có cuộc nào và gần 40% khẳng định họ cảm thấy điều này ít nhất một lần trong tuần.
Giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là một trong những triệu chứng của bệnh nghiện công nghệ do sử dụng smartphone hay công nghệ nhiều quá mức. Những sinh viên này có cảm giác khó chịu, cáu kỉnh khi không được sử dụng điện thoại.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đến từ Massachusetts của Mỹ đặt giả thuyết rằng những tín hiệu giả hiệu này "có thể là kết quả của việc xử lý sai tín hiệu cảm giác của vỏ não".
Họ cho rằng, những người bận rộn thường xuyên liên lạc qua điện thoại, não bộ sẽ thường xuyên hiểu sai ý nghĩa của những loại thông tin như sự cọ xát quần áo vào cơ thể, kích thích tri giác khác... thành ảo giác điện thoại rung.
Hay do quá mong ngóng tin nhắn, cuộc gọi nào mà ta vô tình khiến não "ngợp" 1 lượng thông tin liên quan đến việc này nên não tạo ảo giác, khiến bạn cảm thấy như điện thoại rung thật.
Tuy gọi là một "tổn thương ở não" nhưng bạn không phải quá lo sợ. Bởi sự thật là có đến 70% những người xung quanh bạn cũng đang gặp phải ảo giác như vậy, đó còn có thể xem là một dạng "sai số" chấp nhận được từ não bộ.