Năm 2010, bộ phim nổi tiếng "The Walking Dead" làm mưa làm gió trong cộng đồng yêu phim ảnh. Cách đây không lâu, hàng loạt tác phẩm về zombie của Hàn Quốc cũng thu hút lượng khán giả đông đảo. Chưa bao giờ chúng ta nghĩ rằng những "thây ma" trong phim lại có ngoài đời thực. Thực tế, hội chứng Cotard, hội chứng xác chết biết đi, căn bệnh tâm thần hiếm gặp, khiến các bệnh nhân giống như "xác sống biết đi".
9 năm địa ngục của người đàn ông mắc hội chứng "xác chết biết đi"
Ông Graham Harrison (57 tuổi) là một trong những bệnh nhân mắc căn bệnh quái dị nhất thế giới đó là luôn nghĩ rằng mình đã chết dù vẫn hít thở hàng ngày. "Tâm trí tôi trống rỗng, tôi không còn thấy vui vẻ với bất kỳ điều gì. Thậm chí, việc đối diện với người khác cũng khiến tôi cảm thấy khó khăn", ông Graham trả lời phỏng vấn Tạp chí New Scientist.
|
Ông Graham Harrison mất 9 năm lang thang ở nghĩa trang vì nghĩ mình đã chết. Ảnh: Daily Mail. |
Những điều kỳ quái trong cơ thể ông bắt đầu xuất hiện sau thời gian chống chọi với bệnh trầm cảm nặng. Ông bỗng cảm thấy bộ não của mình đã chết hoặc biến mất. Thói quen hút thuốc hay ăn uống trước đây của Graham cũng không còn. Ông ngừng các hoạt động bình thường vì cảm thấy "chẳng còn nghĩa lý gì khi đã chết".
Mời quý vị xem video: Hoảng hồn bóng ma bí ẩn ném đồ giữa siêu thị
Graham không còn muốn ở nhà mà thường xuyên lui tới nghĩa trang như một thành viên của nơi đây. Tâm trí hỗn loạn và không mục đích sống, ông từng cố gắng tự sát bằng cách giật điện nhưng không thành. Chính cơn chấn động này đã dẫn tới tình trạng zombie của ông. Các bác sĩ cho rằng Graham đã mắc chứng Cotard hay còn gọi là hội chứng "xác chết biết đi".
Các bác sĩ đã đưa Graham tới gặp nhà thần kinh học Adam Zeman của Trường Y khoa Exeter (Bỉ). TS Laureys nói: "Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người mắc căn bệnh này. Anh ta nói rằng mình đã chết. Tôi nghĩ rằng cần phải trò chuyện kỹ càng với bệnh nhân để hiểu về họ hơn là sử dụng những biện pháp điều trị thông thường".
Khi mới quét não bộ của bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện mức hoạt động của chúng thấp ngang bằng với những người bị rơi vào trạng thái thực vật. "Tôi đã phân tích các bản quét trong 15 năm và tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ ai có phác đồ bất thường như vậy. Chức năng não bộ của Graham giống như của một người đang bị gây mê hoặc ngủ say", ông Laureys nói thêm.
Dưới sự giúp đỡ của TS Laureys, Graham dần phục hồi. Sau 9 năm, cuối cùng ông cũng trở lại cuộc sống như người bình thường.
Hội chứng Cotard và sự hoài nghi về lý do tồn tại của con người
Những người mắc hội chứng Cotard thường sống trong ảo tưởng rằng mình không có tim, máu, phổi và đã chết dù bản thân vẫn hít thở hàng ngày. Trong nhiều trường hợp, một số bệnh nhân cho rằng mình là người bất tử.
|
Một số người mắc hội chứng Cotard nghĩ rằng mình bất tử vì thế tuyệt thực. Ảnh: Milliyet. |
Hội chứng này rất hiếm gặp, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thống kê chính xác số người mắc bệnh. Một nghiên cứu tại Hồng Kông trên 349 bệnh nhân tâm thần cho thấy tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 0,57% dân số.
Hội chứng Cotard lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà thần kinh học người Pháp Jules Cotard vào năm 1880. Trong các hồ sơ lưu giữ, một bệnh nhân mang biệt danh Mademoiselle X cho biết mình bị thiếu một số bộ phận cơ thể như nội tạng, não, ngực, dạ dày, ruột và cho rằng mình đã chết. Cuối cùng, Mademoiselle X tuyệt thực và chết vì đói.
Các triệu chứng của hội chứng "xác chết biết đi" không đồng nhất. Nhà nghiên cứu Yamada Katsuragi và các đồng nghiệp đã nỗ lực nghiên cứu để tìm ra ba giai đoạn của chứng bệnh này vào năm 1999, đó là nảy mầm, nở hoa và mạn tính. Theo báo cáo thống kê thu được người mắc hội chứng Cotard thường trầm cảm, luôn trong tình trạng lo lắng và mặc cảm tội lỗi.
Đến nay, nguyên nhân chính xác và cách điều trị bệnh vẫn là dấu hỏi lớn cho các nhà thần kinh học.