Bồ câu tuyệt chủng hơn 100 năm tái xuất hiện

Google News

Mới đây, loài bồ câu đầu đen được cho là đã tuyệt chủng cách đây 140 năm đã được phát hiện bởi các nhà thám hiểm.

Jordan Boersma, trưởng đoàn thám hiểm đồng thời là nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell, cho biết: "Trong suốt chuyến đi, chúng tôi không tìm thấy bất cứ dấu vết gì về sự tồn tại của loài chim này. Khi chỉ còn 2 ngày nữa là kết thúc hành trình trên đảo Fergusson ở Papua New Guinea thì một trong những chiếc camera tự động của chúng tôi đã ghi lại được cảnh bồ câu đầu đen đi vòng quanh và quạt đuôi".
Bồ câu đầu đen sống trên mặt đất, có kích thước bằng con gà, đầu và thân màu đen, đôi cánh ngắn tròn màu nâu, đuôi bồng bềnh giống chim trĩ. Loài chim này được nhìn thấy lần đầu tiên và cuối cùng vào năm 1882 bởi nhà khoa học người Ý Odoardo Beccari. Nó có thể chỉ tồn tại ở sâu trong đất liền trên đảo Fergusson - nơi khí hậu nóng, ẩm, địa hình gồ ghề, hiểm trở, hoang sơ, sông ngòi chằng chịt.
Bo cau tuyet chung hon 100 nam tai xuat hien
 Bồ câu đầu đen có kích thước bằng con gà (Ảnh: Earthbuddied.net)
Từ đó đến nay, hầu như không có bất cứ thông tin gì về loài bồ cầu đầu đen này, cũng không có bản ghi âm nào ghi lại tiếng hót của chúng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tiếng hót của chúng có vẻ giống với một loài chim bồ câu đầu đen khác sống trên đất liền Papua New Guinea. Quần thể của loài này chưa được xác định nhưng nó được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp. Tính đến tháng 7/2021, số lượng ước tính của nó là từ 50 đến 249 con.
Tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của người bản địa là chìa khóa thành công của chuyến thám hiểm lần này. Doka Nason, người lớn lên ở Papua New Guinea gần Fergusson đã tham gia tìm kiếm và tư vấn cho nhóm về nơi bồ câu đầu đen có thể xuất hiện. "Đây là nhà sinh vật học thực địa ấn tượng nhất mà tôi từng có cơ hội làm việc cùng. Anh ấy cũng chính là người đã chọn địa điểm để lắp đặt máy quay, ghi lại những hình ảnh của bồ câu đầu đen", Jordan Boersma cho biết.
Giờ đây, các nhà khoa học đã xác định được, bồ câu đầu đen vẫn tồn tại, vấn đề đặt ra là làm cách nào để giữ cho loài chim quý hiếm này không bị tuyệt chủng. Giống như những loại chim bị "mất tích" khác, quần thể của nó rất nhỏ và đang gặp nguy hiểm. Theo Gregg, một nhà nghiên cứu trong đoàn, việc khai thác gỗ của các tập đoàn nước ngoài là mối đe dọa ngày càng tăng với những loài chim đang sống trong rừng. Bên cạnh đó, mèo hoang cũng có thể giết chết những con chim trĩ và chim bồ câu giống như chúng vẫn thường làm với các loài chim khác ở đảo. Theo các nhà khoa học Úc, những loài chim kích thước từ nhỏ đến trung bình, chim làm tổ và kiếm ăn trên mặt đất, chim sống trên các đảo xa hoặc những vùng đất khô cằn là mục tiêu cao nhất. Mỗi ngày, có hàng triệu con chim ở nước này bị mèo hoang giết chết.
Bo cau tuyet chung hon 100 nam tai xuat hien-Hinh-2
Jason Gregg khoe những hình ảnh của bồ câu đầu đen (Ảnh: X.com) 
Việc duy trì các loài chim đã tuyệt chủng từ lâu đòi hỏi phải tìm hiểu kĩ về hoạt động và tình trạng quần thể, đồng thời triển khai các dự án bảo tồn để bảo vệ môi trường sống của chúng. Người dân địa phương phải là những người chủ lực trong công tác bảo tồn. "Đó là một phần lịch sử và văn hóa của họ. Nếu chúng ta mất đi loài chim này thì ý nghĩa về mặt văn hóa cũng như vai trò của nó trong hệ sinh thái cũng sẽ mất đi. Không phải chỉ ở Fergusson mà bất cứ vùng đất nào trên thế giới, việc bảo tồn các loài quý hiếm hoàn toàn phụ thuộc vào cộng đồng cư dân đang sinh sống ở nơi đó", Boersma nói.
Việc phát hiện ra loài bồ câu đầu đen khiến các nhà nghiên cứu lại tràn trề hy vọng sẽ tiếp tục tìm ra những loài chim khác chưa được nhìn thấy trong nhiều thập kỷ, đang tồn tại ở khắp nơi trên thế giới.
Theo VTV

>> xem thêm

Bình luận(0)