Trên thế giới có rất nhiều điều lý thú luôn tồn tại mà các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được. Và hồ Thiên Trì thuộc núi Trường Bạch, Trung Quốc là một trong những kỳ quan như vậy. Hồ Thiên Trì không chỉ nổi tiếng bởi khung cảnh tuyệt đẹp mà xung quanh nó vẫn còn rất nhiều "bí ẩn" thu hút biết bao du khách ghé thăm.
Sự "xuất hiện" bất ngờ
Hồ Thiên Trì còn có tên gọi khác thời cổ đại là Youmen, Tumen, Wenliang và Dragon Tan. Hồ Thiên Trì có một vẻ đẹp vô cùng tuyệt diệu với nước xanh thắm nằm giữa rừng cây cùng những dãy núi tuyết bao phủ chạy quanh. Ở đây, cảnh sắc cứ như ở chống bồng lai tiên cảnh. Cứ tới một mùa mới, cảnh sắc của hồ Thiên Trì lại thay đổi, mùa xuân thì rực rỡ, mùa hè xanh mát, mùa thu ngập sắc vàng sắc đỏ, mùa đông trắng xóa đầy quyến rũ. Nhờ vẻ đẹp này, nó được đặt tên là hồ Thiên Trì có nghĩa là Hồ nước của trời.
|
Hồ Thiên Trì nằm trên hõm chảo của dãy Trường Bạch, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu) |
Điểm đặc biệt của hồ Thiên Trì là ở vị trí của nó. Nó nằm trên hõm chảo trên đỉnh dãy Trường Bạch giữa biên vực của Triều Tiên và Trung Quốc. Núi Trường Bạch là một núi lửa tầng với đỉnh chóp bị cắt cụt bởi một hõm chảo núi lửa lớn có đường kính khoảng 5km và sâu 850m. Trũng hõm là hồ Thiên Trì.
Theo các tài liệu để lại, hõm chảo của ngọn núi được tạo ra vào năm 946 trước Công nguyên bởi vụ phun trào khổng lồ (VEI 7) "Thiên niên kỷ" hoặc "Tianchi". Đây là một trong những vụ phun trào dữ dội nhất trong 5.000 năm qua, có thể so sánh với vụ phun trào năm 180 sau Công nguyên của hồ Taupo và năm 1815 phun trào núi Tambora. Vụ phun trào, có mạt vụn núi lửa đã được tìm thấy ở khu vực phía nam của Hokkaidō, Nhật Bản và xa tận Greenland, đã phá hủy phần lớn đỉnh núi lửa, để lại một miệng núi lửa ngày nay được lấp đầy bởi Thiên Trì.
Theo sách sử Tokyo, vào năm 946 trước Công nguyên, thành phố Kaesong đột nhiên nghe thấy "tiếng sấm từ trống trời" (dùng để miêu tả vụ nổ từ vụ phun trào thiên niên kỷ). Sau đó tiếng động này một lần nữa lại xuất hiện ở cách thủ đô của Hàn Quốc cổ đại 450 km về phía nam của núi lửa khiến cho hoàng đế Cao Ly khiếp sợ đến mức lập tức thả những người đang bị triều đình giam giữ.
Theo cuốn sách "Lịch sử đền Heungboksa", vào ngày 3 tháng 11 cùng năm, tại thành phố Nara (Nhật Bản) cách ngọn núi khoảng 1.100 km về phía đông năm, một sự kiện "mưa tro trắng" đã xảy ra. 3 tháng sau vào ngày 7 tháng 2 năm 947 trước Công nguyên, một lần nữa, người dân lại nghe thấy "tiếng sấm trống trời" ở thành phố Kyoto (Nhật bản).
Trong thần thoại Mãn Châu, các nhà ghi chép sử sạc đã dùng các từ để mô tả về vụ phun trào Tianwanfeng tại ngọn núi Trường bạch như là "rồng lửa, quỷ lửa hay là lửa thiên đàng".
|
Hõm chảo của ngọn núi được tạo ra vào năm 946 bởi vụ phun trào khổng lồ (VEI 7) "Thiên niên kỷ" hoặc "Tianchi". (Ảnh: Baidu) |
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy bằng chứng về vụ phun trào qua gỗ cacbon hoá ở dăm kết của Heifengkou. Sau khi xét nghiệm chúng đều có niên đại vào khoảng năm 946 trước Công nguyên.
Hồ Thiên Trì nằm ở độ cao 2154m so với mực nước biển. Diện tích bề mặt hồ là 9,82km2 với độ sâu lớn nhất là 384m, độ sâu trung bình là 204m. Với kích thước này, hồ Thiên Trì đã trở thành hồ trên núi sâu nhất thế giới hiện nay.
Vì hồ Thiên Trì nằm ở vĩ độ cao nên nước hồ luôn lạnh, trong khoảng từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 6 hàng năm, nước hồ luôn bị đóng băng dày tới 1m. Thậm chí cho dù là mùa hè, nhiệt độ của nước hồ cũng từ 8 – 10 độ C. Núi Trường Bạch có độ cao lớn, trên đỉnh núi lại có 2 luồng không khí từ Siberi và Thái Bình Dương gặp nhau nên độ ẩm của hồ Thiên Trì cao hẳn khu vực chân núi.
Nghi ngờ của các nhà khoa học
Hồ Thiên Trì có trữ lượng nước ngọt lên tới hơn 2 tỷ tấn, với khối lượng lớn như vậy nước của hồ có thể cung cấp cho toàn bộ người dân ở Bắc Kinh trong suốt 22 tháng. Nhiều người ghé thăm hồ Thiên Trì đều cho biết nước của hồ là một trong những loại nước trong nhất thế giới, có thể ví là trong suốt như pha lê nhưng kỳ lạ là nó hầu như không có các loài thuỷ sinh cư trú.
Nước chảy ra khỏi hồ ở phía Bắc và gần lối thoát ra là một thác nước cao 70m. Nhưng, kỳ lạ hơn nữa là họ không thể tìm thấy nơi bắt đầu của nguồn nước chảy vào hồ Thiên Trì. Sở dĩ, họ nói như vậy là do hồ Thiên Trì được bao bọc bởi xung quanh là toàn là núi, dường như nước bằng một cách "thần bí" nào đó chảy vào trong hồ.
Lượng mưa hàng năm ở lưu vực hồ Thiên Trì là 43 triệu m3 và sản lượng nước trung bình hàng năm là 123 triệu m3. Điều này có nghĩa là hơn 65% lượng nước trong hồ Thiên Trì của núi Trường Bạch không được thu thập từ nước mưa. Hơn nữa, hồ Thiên Trì cũng liên tục hấp thụ ánh sáng mặt trời và bốc hơi nhưng trong suốt 1 thời gian dài nó vẫn luôn đầy ắp nước và chưa từng bị vơi bớt.
Hồ Thiên Trì nằm ở độ cao hơn 2.100 m so với mực nước biển. Có vẻ như chỉ có những ngọn núi xung quanh lưu vực của Thiên Trì mới có thể bơm nước vào hồ. Về cơ bản là không thể có chuyện nước từ nơi khác đổ về hồ Thiên Trì. Vậy 80 triệu m3 nước còn của hồ Thiên Trì là từ đâu?
Lời giải đầy bất ngờ
Từ băn khoăn này, các nhà khoa học đã lần tìm ra câu trả lời. Cuối cùng, họ đã đưa ra giả thuyết rằng nguồn nước của hồ Thiên Trì chủ yếu đến từ một nơi rất đặc biệt. Chen Jiansheng, một giáo sư tại trường đại học Hohai, Trung Quốc đưa ra giả thuyết rằng phần lớn nước ở hồ Thiên Trì đến từ cao nguyên Thanh Hải của Tây Tạng (cao nguyên Thanh Tạng).
Tuy nhiên giả thuyết đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối bởi cao nguyên Thanh Tạng cách núi Trường Bạch, hồ Thiên Trì tới hàng nghìn km và hoàn toàn không có dòng chảy bề mặt. Cho dù có sông ngầm thì cũng không thể dài tới như vậy!
Thế nhưng, giáo sư Chen Jiansheng đã đề xuất lý thuyết về sự tuần hoàn sâu của mạch nước ngầm. Ông cho rằng, vỏ Trái đất sẽ nở ra khi núi lửa phun trào dung nham và co lại khi nguội đi. Sự giãn nở và co lại đã để lại các đường nứt dưới lòng đất. Độ sâu của các đường nứt này có thể sâu tới 15km dưới mặt đất. Và theo ông, nước ở trên các ngọn núi hoặc cao nguyên sẽ chảy qua các đường nứt này tới những vùng có độ cao thấp hơn dưới tác dụng của trọng lực Trái đất.
Vào tháng 7 năm 2021, giáo sư Chen Jiansheng và một số học giả của đại học WestLake, đại học California và Viện Công nghệ Liên bang Thuỵ Sĩ đã công bố nghiên cứu có tựa đề là "Nước biến mất từ lưu vực Khương Đường trên cao nguyên Tây Tạng" trên Tạp chí Khoa học trái đất. Theo bài nghiên cứu này, nhóm chuyên gia đã phát hiện ra rằng nước của nhiều con sông đi qua đường nứt của lưu vực Khương Đường theo hướng Nam – Bắc. Một phần của nó đã bị biến mất. Họ ước tính rằng lượng nước thất thoát hàng năm lên tới 54 tỷ m3, tương đương với lượng nước chảy hàng năm của sông Hoàng Hà.
Họ cũng khẳng định rằng sau khi nước sông ngầm ở lưu vực Khương Đường đi vào đường nứt dẫn đến các khu vực ở phía Bắc và phía Đông của cao nguyên Thanh Tạng. Một phần khác nó chảy vào hồ Thiên Trì của núi Trường Bạch.
Hóa ra bằng cách nghiên cứu mạch nước ngầm trong lớp đá bazan, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có các dòng nước tự nhiên trong lớp bazan nối tới miệng núi lửa. Các dòng nước được hình thành bởi dòng dung nham chảy khiến cho vỏ Trái đất giãn nở và co lại sau khi nguội. Nước từ mặt đất ngấm xuống cũng sẽ chảy theo đường nứt và dưới tác dụng của lục hút, nước ngầm ở nơi cao hơn sẽ chảy về khu vực thấp hơn.
Độ cao của hồ Thiên Trì ở núi Trường Bạch là gần 2.200m nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với độ cao của khu vực Khương Đường của Tây Tạng. Và theo nhóm chuyên gia thì việc hồ Thiên Trì lấy nước từ cao nguyên Thanh Tạng là điều hoàn toàn có thể.
Lời đồn về "thủy quái" bí ẩn ở hồ Thiên Trì
Hồ Thiên Trì còn nổi tiếng bởi những câu chuyện về "thủy quái" đầy bí ẩn khiến người ta tò mò. Theo các câu chuyện truyền miệng, ngày 23/08/2003, một đoàn khách du lịch gồm hơn 40 người đang chơi ở hồ Thiên Trì từng nhìn thấy một sinh vật màu đen, dài khoảng 3m đang bơi từ bờ Nam sang bờ Bắc rồi lặn xuống mất hút. Trước đó gần một tháng, khoảng 20 con "quái vật" hồ Thiên Trì đã làm một cuộc diễu hành kéo dài khoảng 50 phút.
Hai năm sau, vào ngày 07/07, một người có tên Trịnh Trường Xuân, trú ở huyện Phủ Tùng, tỉnh Cát Lâm, trong khi đi vãn cảnh hồ Thiên Trì tình cờ phát hiện trên mặt hồ nổi lên một bóng đen kì quái liền lấy máy ảnh chụp. Cho dù có người cho rằng đó chỉ là một khúc gỗ trôi, nhưng ông Trịnh khẳng định mình đã chớp được ảnh một sinh vật lạ ở hồ Thiên Trì.
Ngày 21/07/2005, con "quái vật" tái hiện ở bờ phía bắc và lại phá tan mặt nước phẳng lặng của hồ Thiên Trì vào hơn 10 ngày sau đó. Theo ông Hoàng Tường Đồng, một người có cơ may tận mắt nhìn thấy "quái vật" hồ Thiên Trì, riêng phần đầu và cổ của con "thủy quái" nhô lên mặt nước đã cao trên 2 mét.
Năm 2013, một số bức ảnh chất lượng khá kém được lan truyền trên mạng xã hội được cho là của quái vật tại hồ Thiên Trì một lần nữa làm dấy lên sự chú ý về sự tồn tại của sinh vật này. Và cũng có nhiều lời đồn đoán xung quanh sinh vật được gọi là "thủy quái". Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, hồ Thiên Trì có lượng mưa phong phú nhưng do nồng độ oxy trong nước thấp, cộng với môi trường xung quanh khô cằn, thảm thực vật thưa thớt khiến nơi này không đáp ứng đủ điều kiện để các loài cá sinh sống. Kết quả một lần khảo sát cũng cho thấy, hồ Thiên Trì không có động vật có xương sống. Vì vậy, câu chuyện "thủy quái" hồ Thiên Trì có thể chỉ là những lời đồn đoán vô căn cứ.