Nếu bàn về con sông dài nhất Việt Nam, cần chia ra 2 tiêu chí: Một là, dòng sông chảy qua lãnh thổ Việt Nam (có khởi nguồn từ nước khác) và có chiều dài nhất khi chảy qua lãnh thổ nước ta; Hai là, dòng sông nội địa, khởi nguồn ngay chính ở nước ta và có chiều dài lớn nhất Việt Nam.
Thực tế, có những con sông bắt nguồn từ các nước khác nhau chảy qua lãnh thổ Việt Nam, có con sông bắt nguồn từ Việt Nam chảy qua nước khác và cũng có những con sông bắt nguồn từ nước ta và chỉ chảy trong lãnh thổ rồi ra biển.
Con sông nội địa dài nhất Việt Nam
Khởi nguồn từ cao nguyên Langbiang (tỉnh Lâm Đồng), sông Đồng Nai có tổng chiều dài 586 km. Với lưu lượng nước cực lớn, dòng sông là nguồn thủy năng dồi dào cung cấp cho nhà máy thủy điện Đồng Nai. Hướng chảy chính của nó là Đông Bắc - Tây Nam và Bắc - Nam.
Lưu vực sông Đồng Nai. (Ảnh: TL)
Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM với chiều dài trên 437 km và lưu vực 38.600 km2. Nếu tính từ đầu nguồn sông Đa Dâng thì con sông dài 586 km, còn tính từ điểm hợp lưu với sông Đa Nhim phía dưới thác Pongour thì dài 487 km. Sông Đồng Nai đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ.
Với lưu lượng nước lớn, dòng sông là nguồn thủy năng dồi dào cung cấp cho nhà máy thủy điện Đồng Nai. (Ảnh: Ngô Tuấn)
Các phụ lưu chính của nó gồm sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai và sông Vàm Cỏ. Các chi lưu của nó có tên gọi là sông Lòng Tàu (sông Ngã Bảy), sông Đồng Tranh, sông Thị Vải, sông Soài Rạp (sông Soi)...
Làng bè nuôi cá trên sông La Ngà là nét đặc trưng của huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). (Ảnh: baodantoc.vn)
Đặc biệt, với lưu lượng nước dồi dào mà đoạn hợp lưu sông Đa Nhim, sông Đồng Nai và sông Bé đã được con người tận dụng xây đập lớn, ngăn dòng chảy tạo thành hồ nhân tạo lớn nhất miền Nam - hồ Trị An. Hồ chủ yếu cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An.
Con sông dài nhất chảy qua lãnh thổ Việt Nam
Mê Kông là con sông có chiều dài đứng thứ 12 thế giới (thứ 7 tại châu Á), xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) băng qua Tây Tạng, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam rồi chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Sông Mê Kông được xem là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho các quốc gia trong lưu vực.
Sông Mê Kông được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao. (Ảnh: Duy Khương)
Đối với Việt Nam, sông Mê Kông có vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng 2 vùng kinh tế là ĐBSCL và Tây Nguyên. Lưu vực sông Mê Kông ở Việt Nam có diện tích khoảng 71.000 km2, chiếm hơn 8% diện tích toàn lưu vực và 20% diện tích Việt Nam. Dòng chảy sông Mê Kông nuôi dưỡng nhiều vùng đất ngập nước đa dạng, đa chức năng trong lưu vực, duy trì các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái đặc trưng.
Những rặng dừa bên sông ở ĐBSCL. (Ảnh: Getty)
Đất ngập nước có vai trò quan trọng là nguồn sống của người dân địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất hàng hóa và phát triển du lịch. Ngoài ra, các vùng đất ngập nước tự nhiên còn mang lại các lợi ích khác như giảm thiểu lũ, trữ nước và làm sạch môi trường.