Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Alex Nguyen từ Trường Đại học Washington ở St. Louis và TS Patrick McGovern từ Viện Mặt trăng và hành tinh (Mỹ) đã tìm thấy dấu hiệu về một vùng biển giống như bản sao của Biển Chết ở thế giới từng là "hành tinh thứ 9" của hệ Mặt Trời.
Sâu bên dưới Sputnik Planitia của "hành tinh thứ 9" có thể ẩn chứa một đại dương cực mặn - Ảnh: NASA
Thế giới thú vị đó là Sao Diêm Vương, vốn bị Liên đoàn Thiên văn quốc tế (IAU) "giáng cấp" từ hành tinh xuống hành tinh lùn từ năm 2006, trong khi các nhà khoa học NASA thì khẳng định rằng nó xứng đáng được coi là một hành tinh.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng chính dữ liệu của tàu New Horizons của NASA.
Sử dụng các mô hình toán học để phân tích hình ảnh có độ phân giải cao của New Horizons về Sao Diêm Vương để tìm hiểu sâu hơn về một đại dương được nghi ngờ chôn vùi dưới lớp vỏ ni-tơ và methane dày của hành tinh lùn.
Nhiệt độ bề mặt của Sao Diêm Vương là khoảng -220 độ C, lạnh đến mức ngay cả các loại khí như ni-tơ và methane cũng đóng băng cứng, nên nước khó lòng tồn tại.
“Lẽ ra nó đã mất gần như toàn bộ nhiệt ngay sau khi được hình thành, vì vậy các tính toán cơ bản sẽ cho thấy rằng nó đã đông cứng đến tận lõi” - Sci-News dẫn lời TS Nguyen.
Nhưng trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã thu thập được bằng chứng kỳ lạ cho thấy khả năng thiên thể này có đại dương ngầm. Ví dụ nó có núi lửa lạnh phun ra băng và hơi nước.
Mô hình của TS Nguyen và TS McGovern đã nhắm vào Sputnik Planitia, là thùy phía Tây của cánh đồng băng giá hình trái tim nổi tiếng của Sao Diêm Vương.
Nơi đây từng xảy ra vụ va chạm thiên thạch hàng tỉ năm trước. Phân tích các vết nứt và chỗ phình ra trên lớp băng, họ tính toán rằng đại dương ở khu vực này tồn tại bên dưới lớp băng nước dày 40 đến 80 km.
Chính vì nằm quá sâu nên đại dương này vô tình được cách nhiệt, và giữ được trạng thái không bị đóng băng.
Ngoài ra, một yếu tố khác góp phần vào sự không đóng băng này là muối.
Đại dương Sao Diêm Vương rất mặn, với độ đậm đặc của muối cao hơn đại dương Trái Đất tới 8%.
Tỉ lệ này gần bằng với Hồ Muối Lớn ở bang Utah của Mỹ, được ví như Biển Chết của Mỹ.
Tất nhiên đại dương Sao Diêm Vương vẫn chưa mặn bằng Biển Chết, nhưng vẫn là một bản sao gần giống thú vị, ở một thế giới mà trước đây nhiều người vẫn tin rằng không tồn tại đại dương.
Độ đậm đặc này sẽ giải thích sự phong phú của các vết nứt nhìn thấy trên bề mặt. Nếu đại dương loãng hơn đáng kể, lớp vỏ băng sẽ sụp đổ, tạo ra nhiều vết nứt hơn so với những gì thực tế quan sát được. Nếu đại dương dày đặc hơn nhiều thì sẽ có ít vết nứt hơn.
Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí Icarus này ủng hộ kỳ vọng của NASA về một thế giới "cao cấp" hơn hành tinh lùn rất nhiều và còn nhiều điều để khám phá.
Thậm chí một số nhà khoa học còn kỳ vọng vào một "kẽ hở" dành cho sự sống cực đoan trên thế giới lạnh giá này.
Để có câu trả lời chính xác nhất, chúng ta có lẽ sẽ phải chờ đợi các sứ mệnh vũ trụ tiếp theo nhắm vào vùng xa xôi của hệ Mặt Trời.