|
Nguồn: Getty Images |
Hai sinh viên kỹ thuật người Trung Quốc tại Oregon (Mỹ) vừa bị cáo buộc đã lừa đảo, gây thiệt hại cho Apple gần 1 triệu USD thay thế iPhone và hiện đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự tại tòa án liên bang.
Theo tờ The Oregonia, các nhà chức trách cho biết hai sinh viên trên đã thực hiện một kế hoạch hết sức tinh vi nhằm rút một khoản tiền mặt của Apple bằng cách sử dụng các iPhone giả và khai thác chính sách đổi sản phẩm mới của Apple.
Bắt đầu từ năm 2017, hai sinh viên trên đã nhập lậu hàng ngàn chiếc iPhone giả vào Mỹ từ Trung Quốc và sau đó gửi chúng cho Apple để sửa chữa hoặc thay thế, với lý do báo lỗi rằng những chiếc điện thoại này bị sập nguồn.
Trong nhiều trường hợp, Apple đã thay thế hàng giả bằng iPhone thật, khiến công ty bị thiệt hại quy ra tiền vào khoảng 895.800 USD.
Yangyang Zhou, vừa hoàn thành bằng kỹ sư tại Đại học bang Oregon, bị cáo buộc chịu trách nhiệm đưa các lô hàng giả vào Mỹ và gửi iPhone thật về Trung Quốc.
Đồng phạm của anh ta là Quan Jiang, học ngành kỹ thuật tại Linn Benton Community College, đã chia sẻ một địa chỉ với Zhou và nhận nhiệm vụ gửi điện thoại giả đến Apple qua đường trực tuyến hoặc trực tiếp để yêu cầu thay thế.
Sau khi những chiếc iPhone thật được gửi đến Trung Quốc để bán kiếm lời, một cộng sự sẽ chuyển tiền cho mẹ của Jiang, để sau đó gửi tiền vào một tài khoản mà Jiang sử dụng ở Mỹ.
Theo bản cáo trạng của cơ quan chức năng Mỹ, cả Jiang và Zhou đều khẳng định họ không biết điện thoại ban đầu là hàng giả. Zhou đang bị buộc tội xuất khẩu hàng hóa bất hợp pháp, trong khi Jiang bị buộc tội buôn bán trái phép hàng giả và phạm tội lừa đảo.
Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, sở dĩ hai sinh viên trên có thể qua mặt được Apple chủ yếu là đó nhân viên của Apple Store không thể xác minh tính xác thực của các thiết bị vì chúng không bật nguồn và quá trình thay thế điện thoại Apple đã được kích hoạt trong thời gian đó, khi hai sinh viên này nói họ được bảo hành sản phẩm.
Rõ ràng, Apple đã không yêu cầu bằng chứng mua hàng để thay thế điện thoại.
Jiang bị cáo buộc đã nộp 3.069 yêu cầu bảo hành và kết quả là Apple đã cấp 1.493 iPhone thay thế. Với giá trị ước tính là 600 USD cho mỗi điện thoại, Apple đã mất gần 900.000 USD từ chương trình này.
Trong khoảng thời gian tháng 6 và tháng 7/2017, Apple đã phát hiện ra mình bị lừa và ra thông báo cho Jiang rằng Apple biết rằng anh ta đang nhập khẩu iPhone giả. Jiang đã không trả lời các thông báo của Apple.
Đây không phải lần đầu tiên Apple và các công ty công nghệ bị dính bẫy lừa đảo bởi chương trình thay thế sản phẩm mới của mình.
Năm ngoái, một công dân Trung Quốc sống ở New Jersey (Mỹ) bằng visa sinh viên đã phạm tội bán iPhone và iPad giả cho khách hàng, và bỏ túi 1,1 triệu USD từ chương trình này.
Và chỉ tháng trước, một người đàn ông Litva đã phạm tội lừa đảo Google và Facebook số tiền lên đến 100 triệu USD bằng cách gửi cho hai hãng này hóa đơn giả qua email và giả mạo là công ty phần cứng của Đài Loan.