Theo tài liệu Reuters có được, bang Arizona đang dẫn đầu nhiều tiểu bang tại Mỹ để điều tra về việc Apple cố tình làm chậm iPhone cũ, vi phạm luật cạnh tranh thương mại.
Tuần trước, tài liệu của một nhóm theo dõi công nghệ cho biết, tổng chưởng lý Texas có thể lôi Apple ra tòa vì những vi phạm tương tự như vậy, liên quan đến cuộc điều tra ở nhiều bang. Tuy nhiên, chi tiết về vụ việc không được đề cập đến.
|
Apple đứng trước nguy cơ hầu tòa vì tội gây lỗi cho iPhone. Ảnh: Reuters.
|
Reuters cho rằng quá trình điều tra đã diễn ra từ tháng 10/2018, nhà chức trách yêu cầu Apple cung cấp dữ liệu về việc iPhone tắt máy đột ngột, hoạt động chậm và sự can thiệp của công ty thông qua phần mềm quản lý năng lượng.
Văn phòng chưởng lý Arizona và Texas từ chối bình luận về thông tin này. Như mọi khi, Apple cũng không có bất kỳ phản hồi chính thức nào.
Gã khổng lồ xứ Cupertino đã vướng bê bối nghiêm trọng vào năm 2017 khi Primate Labs, nhà sản xuất phần mềm đo tốc độ bộ xử lý của điện thoại, tiết lộ rằng một số iPhone trở nên chậm hơn khi cũ.
Sau đó Apple công khai thừa nhận tự ý giảm mức tiêu thụ năng lượng - có thể làm chậm bộ xử lý - khi pin điện thoại cũ, khó đáp ứng yêu cầu cung cấp của máy. Hãng biện minh rằng việc này sẽ giúp tránh xảy ra hiện tượng iPhone đột ngột tắt máy khi pin gần cạn.
Trong khi đó, người dùng cho rằng Apple cố tình làm chậm iPhone cũ và giấu nhẹm điều này nhằm thúc ép họ lên đời thiết bị mới.
Sau sự cố, Apple công khai xin lỗi và tung ra chương trình giảm giá thay pin iPhone kéo dài 1 năm.
Vào tháng 2, Apple đã đồng ý bồi thường 500 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể liên quan đến các vấn đề về pin của iPhone.
Hãng trả cho người dùng 25 USD trên mỗi chiếc iPhone, có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy thuộc vào số lượng iPhone đủ điều kiện. Tổng số tiền bồi thường tối thiểu 310 triệu USD. Khoản còn lại bao gồm chi phí thuê luật sư lên đến 93 triệu USD (30% của thỏa thuận) và chi phí khác 1,5 triệu USD.
Rắc rối tiếp tục đến với Apple khi CEO Tim Cook bị chất vấn trước Hạ viện Mỹ về hoạt động mua bán ứng dụng trên App Store và có hay không việc chèn ép các nhà phát triển khi vừa thu phí hoa hồng 30%, vừa tung ra dịch vụ cạnh canh trên cùng nền tảng và phân khúc thị trường.