Ngày 10/1, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và Luật sư Trần Mạnh Tùng, thuộc Văn phòng Luật sư Kết nối – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, gửi đơn kiện Apple về việc nhà sản xuất này làm chậm iPhone khi cập nhật phần mềm mới.
Trong hồ sơ khởi kiện hơn 600 trang, hai Luật sư yêu cầu bị đơn (Apple) đưa ra các giải pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và ngăn chặn việc gây thiệt hại cho người dùng khi cập nhật các phần mềm, hệ điều hành mới dành cho sản phẩm điện thoại iPhone, phân phối cho người tiêu dùng ở Việt Nam.
Cụ thể, Apple có trách nhiệm đưa ra giải pháp khắc phục và chấm dứt việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng tại Việt Nam khi sử dụng iPhone đồng thời bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
|
Tòa án nhân dân TP HCM đã tiếp nhận đơn khởi kiện Apple của hai luật sư. Ảnh minh họa. |
Chia sẻ về lý do khởi kiện Apple, người đứng đơn kiện đồng thời là các Luật sư (thuộc Văn phòng Luật sư Kết Nối – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) ông Nguyễn Ngọc Hùng và ông Trần Mạnh Tùng cho biết: “Chúng tôi quyết định thực hiện vụ kiện này với tư cách người tiêu dùng đồng thời là một luật sư.
Thông qua vụ việc này, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng Việt Nam nhận thức được rằng: Quyền và lợi ích hợp pháp của họ (người tiêu dùng nói chung) đang bị xâm hại. Chính vì vậy, trong đơn khởi kiện chúng tôi đề cập tới trách nhiệm của Apple đối với toàn bộ người tiêu dùng tại Việt Nam chứ không chỉ riêng chúng tôi”.
Trước đó, theo hai luật sư, trong những tuần cuối năm 2017, Apple liên tiếp vấp phải những phản ánh từ phía người dùng hay những bài đánh giá từ các công cụ benchmark trên khắp thế giới về việc nhà sản xuất cố tình hạ thấp hiệu suất xử lý của các model iPhone đời cũ.
Trước những lời cáo buộc, Apple lên tiếng thừa nhận làm chậm iPhone cũ thông qua việc phát hành phiên bản hệ điều hành mới làm giảm hiệu suất trên các phiên bản điện thoại iPhone 6, iPhone 6 Plus, iPhone 6s, iPhone 7, iPhone 7 Plus và iPhone SE mà không hề thông báo trước.
Kết quả là hãng phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện tập thể từ những người dùng iPhone tại Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Isarel và bây giờ là Việt Nam. Tính đến nay, số vụ kiện Apple chỉ riêng tại Mỹ đã lên tới con số hơn 20 vụ.
“Tính riêng tại Việt Nam, doanh thu của Apple mỗi năm lên tới một tỷ USD, thế nhưng hàng triệu người dùng gặp vấn đề liên quan đến sản phẩm lại không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Chính sách chăm sóc hậu mãi của Apple tại Việt Nam rất kém khi so với các thị trường khác.
Đây cũng không phải lần đầu Apple có cách ứng xử chưa thỏa đáng với khách hàng của mình tại Việt Nam”, các Luật sư cho biết thêm.
Ngày 28/12/2017, Apple có động thái xin lỗi chính thức người tiêu dùng trên toàn thế giới, được đăng tải trên website của hãng. Song, hãng này không đề cập đến chính sách bồi thường thiệt hại hay giải pháp để nhanh chóng khắc phục cho người tiêu dùng, trong đó có người tiêu dùng Việt Nam.
Sau đó, Apple đưa ra khuyến nghị thay pin để đảm bảo hiệu suất máy với giá ưu đãi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây thực chất là một hình thức kiếm lời của Apple bởi mức phí thay pin được coi là “quá đắt”.
Việc làm này của Apple không những không phải là giải pháp tích cực cho người tiêu dùng mà còn là một giải pháp mang tính kinh doanh nhằm gia tăng tối đa lợi nhuận cho Apple bằng việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong nội dung đơn kiện, các luật sư Việt Nam yêu cầu Apple phải có trách nhiệm sửa phần mềm, hệ điều hành hoặc thay pin miễn phí để điện thoại có hiệu năng như trước khi bị lỗi do khuyết tật về kỹ thuật mà Apple gây ra.
Văn phòng Luật sư Kết nối cũng đã lập website batterydown.vn để những người dùng iPhone tại Việt Nam gặp tình huống tương tự có thể tham gia đăng ký để tham gia vụ kiện.