Hãng AP đưa tin, số cá voi trên bị mắc cạn trên đảo Chatham, nơi có 600 người sinh sống và nằm cách các đảo chính của New Zealand khoảng 800km về phía đông. Cơ quan bảo tồn nước này cho biết, có 232 con cá voi mắc cạn tại bãi biển Tupuangi vào cuối tuần trước và thêm 245 con mắc cạn tại Vịnh Waihere vào ngày 10/10.
Vụ việc mới nhất này xảy ra khoảng hai tuần sau khi 200 con cá voi hoa tiêu chết ở Australia do mắc cạn trên bãi biển Tasmanian xa xôi.
Ông Daren Grover, Tổng giám đốc Dự án Johah - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp giải cứu cá voi cho biết, do vị trí hẻo lánh và sự hiện diện của cá mập ở các vùng nước xung quanh khiến họ không thể huy động những người tình nguyện đưa cá voi trở lại biển. Do đó, tất cả các con cá voi mắc cạn đều chết, hoặc chết tự nhiên hoặc chết êm dịu.
Việc cá voi hoa tiêu mắc cạn hàng loạt là khá phổ biến ở New Zealand, đặc biệt là vào những tháng mùa hè. Các nhà khoa học không biết đích xác nguyên nhân tại sao cá voi mắc cạn dù có vẻ như hệ thống định vị của nó bị nhầm lẫn.
Theo ông Grover, quanh đảo Chatham có rất nhiều thức ăn cho cá voi và khi chúng bơi gần đất liền, chúng sẽ nhanh chóng đi từ vùng nước rất sâu tới vùng nước nông. "Cá voi định vị dựa vào tiếng vang và do đó nó không biết đang đi vào vùng nước cạn. Chúng tới gần bờ hơn rồi mất phương hướng. Sau đó, thủy triều rút và chúng bị mắc cạn trên bờ".
Ông Grover nói, do các bãi biển trên xa xôi nên xác cá voi sẽ không được chôn cất hay kéo ra biển mà để đó cho tự phân hủy. “Thiên nhiên là một nhà máy tái chế tuyệt vời và tất cả năng lượng được lưu trữ trong cơ thể của cá voi sẽ được trả lại tự nhiên khá nhanh".