Ngoại trừ những cụm từ đã được lập trình sẵn như: “Bạn có cảm thấy vui khi sử dụng phần mềm này không?” hoặc bất kỳ câu nói nào như vậy thì máy tính vốn dĩ không quan tâm tới cảm xúc của con người. Đó là tiền đề để chúng ta có phát triển một hệ thống mới có tên là “Affective Computing”, tạm dịch là “Điện toán cảm xúc”. Nó bao gồm các hệ thống, phần mềm, thiết bị,... có khả năng nhận biết, cảm nhận cảm xúc của con người và đưa ra những câu hỏi, câu trả lời phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh. Khi nói tới điện toán cảm xúc, có lẽ nhiều người trong chúng ta không biết tới Affectiva. Công ty này được phát triển từ một phòng Media Lab của MIT cách đây một thập kỷ với mục tiêu tạo ra công nghệ có thể cân đo đong đếm được cảm xúc con người.
Đó là sự kết hợp của tâm lý học và khoa học máy tính. Điều này dựa trên những ý tưởng rằng cảm xúc có thể nắm bắt và định lượng được như một dạng dữ liệu, từ đó chúng ta có thể tạo ra các công nghệ có thể nắm bắt và khai thác những cảm xúc của chúng ta.
Nếu thành sự thực, nó sẽ thay đổi cách chúng ta tương tác với các thiết bị xung quanh, một sự biến đổi mà chỉ trong vòng vài năm nữa thôi nó sẽ tạo nên một cuộc cách mạng. Và sau khoảng 10 năm nữa, máy tính hay thiết bị di động sẽ hoàn toàn khác thời nay.
Ngày xưa chúng ta chỉ giao tiếp với máy tính bằng câu lệnh, hiện tại chúng ta sử dụng các giao diện đồ họa. Tương lai, chúng ta sẽ dùng máy tính giống như nói chuyện với một con người bình thường.
Cũng giống như nhiều nhiệm vụ nhận dạng khác, AI hoàn toàn có thể vượt trội hơn rất nhiều so với con người khi đọc được gần như tất cả những cảm xúc thể hiện trên khuôn mặt người. Ví dụ, bạn nghĩ bạn có thể biểu hiện được bao nhiêu cảm xúc khi đang xem TV? Những cảm xúc phấn khích, vui vẻ hay thậm chí là buồn bã tiếc thương cho một nhân vật nào đó,... rất rất nhiều cảm xúc mà con người có thể bộc lộ ra theo từng hoàn cảnh.
Để dạy cho các mô hình học sâu (Deep Learning) của mình, Affectiva đã phân tích hơn 7,8 triệu khuôn mặt tới từ 87 quốc gia. Điều này mang lại một lượng dữ liệu khổng lồ và phong phú để họ tiếp tục phát triển các mô hình của mình cũng như cho phép quan sát những cách biểu cảm để thể hiện cảm xúc khác nhau như thế nào trên toàn cầu.
Khi ngày càng có thêm nhiều dữ liệu được thu thập, từ những thông tin trực quan của người dùng tới các dữ liệu như nhịp tim, ngôn ngữ theo ngữ cảnh khác nhau, việc xây dựng được chính xác trạng thái cảm xúc của con người sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Ví dụ khi bạn chơi những trò chơi kinh dị thực tế ảo, dựa vào những cảm xúc sợ hãi của bạn mà môi trường trong game sẽ tự động điều chỉnh để bạn cảm thấy bớt sợ hãi hơn hoặc khiến bạn cảm thấy căng thẳng tột độ.
Tất nhiên, công nghệ này cũng có thể được ứng dụng vào xe hơi. Điều gì sẽ xảy ra khi có thêm một camera theo dõi nhất cử nhất động của bạn? Xe có thể tự động giảm tốc hoặc ghé lại bên đường khi nhận thấy dấu hiệu buồn ngủ hoặc mệt mỏi trên khuôn mặt của bạn. Hoặc có thể đưa ra cảnh báo khi bạn đang cầm điện thoại và không tập trung vào việc lái xe.
Hay nếu công nghệ này được tích hợp vào smartphone, nó sẽ theo dõi tâm trạng của bạn cả ngày và có thể sẽ gợi ý những bản nhạc yêu thích lúc bạn vui hoặc nói với bạn những lời động viên khi bạn buồn... Gần như chiếc điện thoại sẽ trở thành tri kỷ của bạn lúc nào không hay.
Ứng dụng của điện toán cảm xúc là rất lớn. Đây là một ngành mới tràn đầy cơ hội. Có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ được giao tiếp với máy tính như những con người thực thụ.