Vũng lầy tồi tệ Syria ngốn bao nhiêu tiền bạc của Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Những ngày qua, dư luận thế giới xôn xao trước tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ sớm rút quân khỏi Syria. Việc Tổng thống Trump muốn Mỹ sớm rút khỏi Syria làm dấy lên lo ngại giữa các bên liên quan cũng như giới chuyên gia.

Vào ngày 29/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố về việc sẽ sớm rút quân và chuyển lực lượng tại Syria sang các nước khác trong khu vực, với lý do quân đồng minh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống các phần tử thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự việc này nhanh chóng trở thành vấn đề được chính trường thế giới quan tâm sát sao.
Tác động của Mỹ khi rút quân khỏi Syria
Vung lay toi te Syria ngon bao nhieu tien bac cua My?
Tổng thống Trump gây xôn xao dư luận khi tuyên bố sẽ sớm rút quân tại Syria. Ảnh: Sputnik. 
Hiện Mỹ triển khai khoảng 2.000 binh lính tại Syria và đang hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). SDF là lực lượng gồm cả người Arab và người Kurd nhưng phần lớn thủ lĩnh của nhóm này là người Kurd. Nhiều chuyên gia lo ngại nếu như Mỹ rút khỏi Syria thì sẽ có thể gây ra những tác động lớn.
David Adesnik, Giám đốc chính sách của tổ chức Sáng kiến chính sách đối ngoại chia sẻ về việc Tổng thống Trumm tuyên bố rút quân khỏi Syria đang "nóng" dư luận trên: “Yếu tố quan trọng khiến SDF “trụ” được trong khu vực là các lực lượng khác không động được đến họ. Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, họ chắc chắn sẽ “thất thế”.
Theo ông Adesnik, Mỹ hiện giúp SDF kiểm soát khu vực biên giới Syria giáp với Iraq vì IS vẫn còn hiện diện ở khu vực này, nhưng SDF sẽ rất khó đối phó vớ IS tại đây nếu không có sự trợ giúp của Mỹ.
Nếu như Mỹ rút quân ra khỏi Syria thì lực lượng vốn dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ bị suy yếu và IS sẽ thừa cơ trỗi dậy hoạt động trở lại.
Bà Angela Stent, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á-Âu tại Đại học Georgetown đưa ra nhận định rằng, nếu Mỹ rút khỏi Syria thì khoảng trống do nước này tạo ra sẽ được Nga lấp đầy. Ngoài Nga, Iran cũng sẽ gia tăng ảnh hưởng không chỉ ở Syria mà còn trong khu vực.
Chính quyền Syria cũng sẽ đạt được một số lợi ích khi Mỹ rút quân như giành lại quyền kiểm soát các giếng dầu hiện đang do các lực lượng được chính quyền Washington hậu thuẫn kiểm soát.

Mời quý độc giả xem video: Mỹ đánh Syria: Nga và Iran chống lại Thế giới? (nguồn: VTC)

Mỹ can thiệp vào tình hình Syria thế nào?
Cuộc nội chiến Syria bắt đầu nổ ra từ tháng 3/2011 khi phong trào biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad diễn ra. Nhiều quốc gia bên ngoài đã can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp với hy vọng sẽ giải quyết được cuộc xung đột gay gắt này.
Trong số các nước can thiệp vào Syria có Mỹ. Chính quyền Washington thể hiện lập trường ủng hộ lực lượng ôn hòa trong phe nổi dậy ở Syria. Theo đó, Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế thực hiện các vụ không kích nhằm vào IS, các nhóm cực đoan ở Iraq và Syria như Mặt trận Nusra có liên kết với al-Qaeda.
Thêm nữa, chính quyền Mỹ còn triển khai chương trình huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria, tiến hành các đợt không kích ở Syria chống IS.
Đến tháng 8/2013, chính quyền Tổng thống Barack Obama xem xét khả năng tấn công quân sự vào lực lượng chính quy của Tổng thống Bashar al-Assad, sau khi thế giới lên án cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào các quận do quân nổi dậy chiếm giữ ở phía Đông thủ đô Damascus.
Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama trong cuộc chiến tiêu diệt lực lượng IS ở Syria. Đáng chú ý là việc Tổng thống Trump từng ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân al-Shayrat của quân chính phủ Syria.
Tổng thống Trump còn cho phép Lầu Năm Góc cử nhiều lính thủy đánh bộ Mỹ, đem theo nhiều loại vũ khí hạng nặng và đạn dược, tới can thiệp quân sự tại Syria.
Kể từ đó cho đến nay, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã triển khai lượng lớn binh sĩ đến Syria, phối hợp với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Liên quân Ả Rập Syria trong cuộc chiến tiêu diệt IS.
Chi phí cho việc can thiệp vào Syria của Mỹ
Kể từ khi nội chiến Syria bắt đầu nổ ra từ tháng 3/2011, chính quyền Mỹ đã đổ vào đây lượng lớn tiền bạc. Theo ước tính, Mỹ đã bỏ ra hàng trăm triệu USD cho việc triển khai quân cũng như tiến hành các đợt không kích chống IS ở Syria.
Cụ thể, vào sáng ngày 7/4/2017, quân đội Mỹ phóng tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria.
Theo các chuyên gia quân sự, mỗi tên lửa Tomahawk do tập đoàn Raytheon Co. RTN chế tạo có giá khoảng 1 triệu USD. DO vậy, riêng đợt tấn công này đã tiêu tốn gần 60 triệu USD ngân sách quốc phòng của Mỹ.
Tuy nhiên, một tính toán khác được đưa ra dựa vào ngân sách quốc phòng năm 2017 của Hải quân Mỹ cho thấy mỗi tên lửa Tomahawk được cho là có giá lên tới xấp xỉ 1,6 triệu USD. Điều này có nghĩa là 59 tên lửa Tomahawk mà Mỹ phóng ngốn tới 94 triệu USD.
Đây chỉ là một trong số nhiều cuộc tấn công nhằm vào IS ở Syria cho thấy số tiền mà Mỹ bỏ ra tại vùng chiến sự này không hề nhỏ.
Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)