Theo tộc phả của họ Nguyễn, sau khi vua Đồng Khánh băng hà, các quan đại thần trong viện cơ mật của triều đình nhà Nguyễn không dám tự ý lựa chọn vị vua kế ngôi nên bàn nhau kéo sang Tòa Khâm sứ để thỉnh thị ý kiến các quan bảo hộ. Ý các quan cơ mật muốn hỏi: Vua Đồng Khánh đã mất, theo quý Khâm sứ thì nên chọn ai? Nhưng ông Diệp Văn Cương là thông dịch viên và là dượng của Hoàng tử Bửu Lân (vua Thành Thái sau này) lại dịch là: Nay ông vua Đồng Khánh mất, Lưỡng Tôn Cung và Cơ Mật viện đều đồng ý chọn Hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi, vậy ý kiến của quý Khâm sứ thế nào?
Nghe vậy, viên Khâm sứ đáp: Nếu Lưỡng Tôn Cung và Cơ Mật viện đã đồng ý chọn Hoàng tử Bửu Lân thì tôi cũng xin tán thành. Lời này lại được ông Diệp dịch khác đi: Theo tôi nên chọn Hoàng tử Bửu Lân là hơn cả.
Nghe thế, các quan cơ mật ra về và liền đi rước Hoàng tử Bửu Lân lên ngôi. Bửu Lân là con của vua Dục Đức. Sau khi vua Dục Đức bị hại, hai mẹ con Bửu Lân phải trở về quê ngoại với cuộc sống khá cực khổ. Sau vài năm thì lại được trở về kinh đô rồi vào ở trong Đại nội để lo hương đăng cho Dục Đức.
Khi thấy triều thần đến rước, mẹ Bửu Lân đi vắng, hoàng tử có vẻ lo sợ nói:
- Các ông đến làm gì? Bắt tôi ra mà trị tội à? Các ông muốn gì thì phải chờ mẹ tôi về đã.
Sau đó, bà Từ Minh (mẹ Bửu Lân) về, biết được lý do, bà khóc lóc không muốn Bửu Lân đi, vì chính bà đã thấy cảnh làm vua thê thảm của chồng, của vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.
Các quan cơ mật bèn giải thích rằng, chẳng có gì phải lo cả, vì đây là quyết định của Viện Cơ Mật, Lưỡng Tôn Cung và nhất là được sự chấp thuận của Tòa Khâm sứ. Bà Từ Minh nghe nói thế mới yên lòng. Hoàng tử Bửu Lân khi đó mới 10 tuổi nhưng to lớn, khỏe mạnh, lanh lẹ và thông minh, lại có học, biết chữ Hán và chữ Pháp, không phản đối gì. Được Lưỡng Tôn Cung và Tòa Khâm sứ nhất trí, đình thần chọn ngày mồng Một tết Dương lịch năm 1889 làm lễ “Tôn quân” cho Hoàng tử Bửu Lân, lấy niên hiệu là Thành Thái.
Hôm ấy, vua Thành Thái mặc áo xanh, bịt khăn đóng, ngồi trên ngai, chung quanh là hoàng thân và văn võ đình thần đứng chầu. Sang mồng Hai tết mới tổ chức đăng quang chính thức tại điện Thái Hòa. Trước giờ hành lễ, các hoàng thân, văn võ đại thần mặc triều phục đại lễ đứng trên điện và trong sân điện. Những người trong hoàng tộc, các giám sinh, học sinh sắp hàng từ cửa Ngọ Môn vào Kim Thủy Kiều. Các quan Phủ doãn và các bậc kỳ lão, thân hào các huyện thì sắp hàng ở Phu Văn Lâu. Vua Thành Thái đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, mang đai ngọc, tay cầm trân quế, từ điện Cần Chánh bước lên kiệu, có quan quân hầu ra điện Thái Hòa trong tiếng chiêng rung, tiếng trống đánh vang dội. Rồi hai mươi mốt phát đại bác nổ vang báo hiệu giờ hành lễ đăng quang.
Lời bàn:
Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì triều đình nhà Nguyễn khi ấy quả là quá nhu nhược, ươn hèn. Chỉ vì muốn được vinh thân phì gia mà tất thảy quan to, quan nhỏ trong triều đều răm rắp tuân theo mệnh lệnh của lũ thực dân cướp nước. Thật là nhục hết chỗ nói! Song, cũng chính vì nhờ cơ may ấy mà Hoàng tử Bửu Lân đang là một đứa trẻ lên 10 đã trở thành vua với niên hiệu Thành Thái và là vị vua thứ 10 của triều Nguyễn. Khi mới lên ngôi, mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng vua Thành Thái đã sớm tỏ rõ là người có chí lớn, có tình cảm sâu đậm với quê hương đất nước và dân chúng, nhưng cuối cùng ông cũng không thoát khỏi cuộc sống với thân phận của một kẻ bị lưu đày.
Từ nội dung của câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy câu thành ngữ “Nước mất nhà tan” quả là không sai. Và một khi nước đã mất thì dẫu có ngồi trên ngai vàng cũng chỉ là ông vua bù nhìn, ông vua nô lệ mà thôi. Đồng thời cũng từ giai thoại này đã giúp cho ta càng hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về giá trị của nền độc lập đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Cũng chính vì thế mà mấy ngàn năm qua, dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Và điều đọng lại sau giai thoại này là hậu thế cần phải biết giữ gìn, phát huy truyền thống vô cùng quý báu ấy của tổ tiên để luôn luôn cảnh giác với mọi thế lực thù địch, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.