Theo sách những chuyện kể về các đời vua nhà Nguyễn, vốn đã không có thiện cảm với Tòa Khâm sứ Pháp, lại căm ghét bọn nịnh thần là những kẻ làm “bồi Tây” (bầy tôi thân Pháp) nên vua Thành Thái thường muốn “vi hành”, gần gũi với đời sống nhân dân. Điều này đã làm cho Khâm sứ Pháp và quan phụ chính đại thần Trương Như Cương quan tâm, e ngại và cố gắng cản trừ.
Nhà vua thường hóa trang làm thường dân khi vi hành. Có khi làm người ăn mày để cảm nhận được nỗi khổ của họ. Cũng có khi cải trang thành một thư sinh nho nhã, lên xứ Kim Long để ngắm nhìn trời đất, chuyện trò với các cô thôn nữ xinh đẹp. Chuyện xưa kể lại rằng, có lần một cô lái đò xinh xắn đã được nhà vua hỏi:
- Có ưng làm vợ vua không? Cô gái này không hay biết gì về người hỏi mình là ai nên cũng gật đầu đùa lại: “Ưng”. Thế là chàng thư sinh đã rước cô gái về cung và cô gái ngỡ như là giấc mơ.
Tại thành Huế, có một thanh niên đẹp trai sống bằng tài ăn nói duyên dáng và nịnh hót. Chàng ta đã quyến rũ nhiều cô gái, nhiều mệnh phụ phu nhân. Vì vậy, người ta đã đặt cho cái tên gọi “cậu Hai Hót”. Nghe tiếng, vua Thành Thái cho gọi đến và nói: Ta nghe đồn mi “hót” hay đến nỗi có người mê mi mà tan gia bại sản. Vậy mi trổ tài đi! Nếu hót được ta sẽ thưởng ba lạng bạc. Nếu không thì ta sẽ lấy cái đầu mi.
Hai Hót đứng sững người, nước mắt, nước mũi chảy giàn giụa. Đến khi nhà vua giục, hắn ta vội vàng đáp: Muôn tâu bệ hạ, con xin thú thật là con có tật nghiện thuốc trà. Sáng nay con chưa hút điếu nào cả. Chợt thấy cái điếu thuốc trà ở trên bàn kia... con bị cơn nghiện hành hạ nên không tài nào hót được. Vậy con xin hoàng thượng chém đầu con đi!
Vua bèn truyền bọn thị vệ lấy điếu thuốc của ngài cho Hai Hót hút. Hắn rít một hơi dài khoái trá vô cùng rồi đứng yên chúm chím cười.
- Mi hết nghiện chưa? Hót đi!
- Muôn tâu, con đã hót rồi ạ. Muôn tâu, con vừa hót được của hoàng thượng một điếu thuốc trà. Con tin chắc cả nước Nam này chưa có người tầm thường nào như con lại vinh dự được hoàng đế ban cho hút vào điếu của ngài.
Vua Thành Thái bật cười và thưởng cho hắn ba lạng bạc.
Được tin nhân dân Bắc Hà bị mất mùa đói khổ, vua Thành Thái muốn thân hành ra thăm để an ủi, giúp đỡ, nhưng bị bọn quan lại báo với Tòa Khâm sứ để cản trở. Viên Khâm sứ lấy cớ ngân sách không có để chi cho chuyến vi hành của vua. Nhà vua quyết định đi tự túc. Bọn tay sai đành phải để nhà vua đi nhưng Tòa Khâm sứ chỉ cho ra đến Thanh Hóa thôi. Thấy cảnh sống điêu linh, khốn khổ của nhân dân, nhà vua thương cảm và đã sáng tác một bài thơ chữ Hán bày tỏ nỗi lòng của mình:
Văn võ xênh xang áo cẩm hào,
Riêng phần trẫm nặng gánh gian lao,
Ba ly rượu ngọt dâng hòa máu,
Một chén trà thơm nước đúc cao.
Giọt lệ trời sa người sướt mướt,
Khúc ca vang lẫn tiếng kêu gào;
Thương nòi xót giống trôn ai đó
Thời buổi can qua biết nói sao.
Bài thơ được phổ biến rộng rãi ở Bắc Hà và nội dung của nó đã làm cho tất thảy nhưng sĩ phu có lòng yêu nước cùng đông đảo quần chúng nhân dân có cảm tình nhiều hơn đối với đức vua yêu mến của mình. Tuy nhiên, đối với chính phủ Pháp và bọn hàng thần, thì bài thơ của Thành Thái lại như một bức thư tuyên chiến. Song, khi có cả triều đình và quân đội trong tay mà các đời vua tiền triều của nhà Nguyễn còn chẳng làm nên trò trống gì huống hồ vua Thành Thái trong tay chỉ có đám hàng thần bù nhìn. Chính vì không biết tập hợp lòng dân, không có phương pháp chống ngoại xâm phù hợp nên cũng như những đời vua trước của nhà Nguyễn, dù có lòng yêu nước thương dân, nhưng cuối cùng vua Thành Thái cũng phải chấp nhận thân phận của một người nô lệ, một kẻ bị lưu đày biệt xứ.
Thế mới hay rằng dù được nói hay viết thì ở góc độ nào đó, những từ quốc gia, dân tộc hoặc nhân dân cũng chỉ là một. Một quốc gia không thể không có nhân dân. Vì thế, nếu không tập hợp được lòng dân, mọi chế độ, chính sách không bắt nguồn từ quyền lợi của nhân dân thì không thể tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân. Lịch sử của dân tộc và của cả nhân loại đã chứng minh, một dân tộc dù nhỏ bé, nhưng biết kết hợp sức mạnh của toàn dân, thì dân tộc đó sẽ trường tồn trước mọi thế lực ngoại xâm, dù chúng có mạnh đến mấy. Và bài học này hậu thế xin đừng quên.