Võ Tắc Thiên (602 – 705) là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà từng bước thay hoàng đế Đường Cao Tông để cai quản việc triều chính bất chấp làn sóng phản đối của các đại thần. Võ Tắc Thiên bị dân gian coi là vị hoàng đế máu lạnh và tàn bạo bậc nhất lịch sử Trung Quốc, bên cạnh Tần Thủy Hoàng. Loạt bài này sẽ kể lại câu chuyện về Võ Tắc Thiên và khai thác một số khía cạnh mà dân gian không nhắc đến.
Võ Tắc Thiên là một phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị. Trải qua nhiều sóng gió trên chính trường, Võ Tắc Thiên có 15 năm cuối cùng chính thức trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Hình ảnh Võ Tắc Thiên trong bộ phim truyền hình Trung Quốc năm 2014.
Những câu chuyện tội ác của Võ Tắc Thiên được truyền từ đời này sang đời khác. Ban đầu là việc Võ Tắc Thiên hãm hại hoàng hậu để chiếm quyền, cho đến hại chết con và tôn thất, từng bước lên ngôi hoàng đế. Những đối thủ của Võ Tắc Thiên đều được cho là đã phải nhận lấy kết cục thảm khốc.
Những câu chuyện rùng rợn này đều chỉ là lời truyền miệng dân gian của Trung Quốc. Giới học giả ngày nay vẫn tranh cãi về những gì thực sự xảy ra ở thời Võ Tắc Thiên và liệu bà có phải là vị hoàng đế tàn bạo, hoang dâm như dân gian truyền lại hay không.
Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc
Võ Tắc Thiên vào cung hầu Đường Thái Tông từ năm 14 tuổi, hầu. Sách Tư trị thông giám của nhà sử học Tư Mã Quang thời Tống viết, có lần, Đường Thái Tông dẫn các phi tần đi xem ngựa. Thái Tông nói đùa rằng: “Trong các ngươi ai có thể khống chế được nó không?"
Các phi tần không ai dám lên tiếng, ngoại trừ Võ Tắc Thiên. "Hãy cho thần ba thứ: Thứ nhất là roi sắt, thứ hai là búa sắt, thứ ba là dao găm. Nếu nó mà không nghe lời thì dùng roi sắt quật nó, nếu không chịu thì dùng búa sắt đập đầu nó, nếu vẫn còn ngang ngạnh thì dùng dao găm cắt đứt cổ luôn”. Chi tiết này đã cho thấy cá tính mạnh mẽ của Võ Tắc Thiên.
Sau khi Đường Thái Tông băng hà, Võ Tắc Thiên đáng ra phải sống trong am ni cô nhưng lại được lòng Thái tử Đường Cao Tông. Vì vậy, Cao Tông lên nắm quyền đã đón Võ Tắc Thiên từ am ni cô ra và phong bà làm Chiêu Nghi (chỉ xếp sau Hoàng hậu).
Chẳng bao lâu sau, Cao Tông lại muốn phế truất hoàng hậu để đưa Tắc Thiên thay thế. Quyết định này khiến nhiều đại thần trong triều phản đối. Với tính cách mạnh mẽ của mình, Võ Tắc Thiên dĩ nhiên không chấp nhận đứng nhìn.
Hình ảnh nhân vật Võ Tắc Thiên trong phim truyền hình Trung Quốc.
Bà ngấm ngầm lôi kéo, thương lượng với một loạt đại thần để ủng hộ mình lên ngôi hoàng hậu. "Đây là việc nhà của Bệ hạ, người ngoài không có tư cách can thiệp", Sách Tư trị thông giám, trang 200 chép lại.
Lời nói của các đại thần đã giúp Cao Tông quyết tâm đưa Võ Tắc thiên lên ngôi Hoàng hậu.
Nắm quyền trong tay, Võ Tắc Thiên quay lại trừng phạt những người từng phản đối bà. Có đại thần phải chọn lấy cái chết, có người may mắn hơn chỉ bị giáng chức, cách chức.
Theo Sách Tư trị thông giám, Đường Cao Tông mắc bệnh nặng nên đã giao hết việc triều chính cho Võ Tắc Thiên quản lý. Cao Tông vốn không có chính kiến, về sau nghe lời các triều thần tố Võ Tắc Thiên lạm quyền để định phế Hoàng hậu.
Nhưng vụ việc nhanh chóng đến tai Võ Tắc Thiên, khiến cho chiếu thư dù đã soạn nhưng không bao giờ được ban ra. Trong những ngày cuối cùng, Cao Tông thiết triều luôn có Võ Tắc Thiên ngồi cạnh giám sát, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều do hoàng hậu gật đầu mới có hiệu lực.
Năm 683, Đường Cao Tông băng hà. Võ Tắc Thiên lần lượt đưa hai con trai của mình lên ngôi hoàng đế nhưng hai vị vua này rút cục đều không vừa lòng bà. Võ Tắc Thiên tìm cách phế truất Trung Tông và giam lỏng Duệ Tông, để tự mình thiết triều với danh nghĩa Thái hậu.
Sự kiện Võ Tắc Thiên lên làm Thái hậu để điều hành việc triều chính đã gây ra 3 cuộc binh biến nhưng không lâu sau đều bị đánh bại.
Phác họa hình ảnh Võ Tắc Thiên dựa trên phim truyền hình.
Sau này, khi được các quan trong triều và hơn 6 vạn người dân đồng ý, Võ Tắc Thiên mới chấp nhận trở thành hoàng đế, lập ra nhà Võ Chu (690 – 705), tự xưng là Hoàng đế thánh thần.
Đánh giá con người Võ Tắc Thiên
Nền văn hóa nặng Nho giáo của Trung Quốc không cho phép một phụ nữ lên ngôi, nên việc Võ Tắc Thiên xưng hoàng đế là điều chưa từng có tiền lệ. Điều này lý giải vì sao khi thay chồng nhiếp chính, Võ Tắc Thiên đã phải đối mặt với 3 cuộc binh biến.
Đó là lúc Võ Tắc Thiên lập ra nhóm chuyên tuần tra, bắt giữ những người âm mưu hoặc có hành động tạo phản. Theo các sử gia Trung Quốc, việc nhóm người này tra tấn, giết những người có tư tưởng phản đối nhà Chu là có thật, nhưng không rõ vai trò của Võ Tắc Thiên trong việc giám sát lực lượng này đến đâu.
Một số nhà sử học nói việc thanh trừng nội bộ chỉ phục vụ lợi ích của Võ Tắc Thiên, có người khác lại nói điều này cũng tốt cho dân chúng. Nên hai tranh cãi này mãi không bao giờ có hồi kết, theo trang mạng Rejected Princesses.
Về câu chuyện bà giết hại chính con đẻ. Các học giả về sau hướng đến cách giải thích là đứa trẻ chết do bị đầu độc nhiều hơn. Nhưng liệu Võ Tắc Thiên có lợi dụng cái chết của các con để tư lợi cho bản thân hay không thì vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Các sử gia thời nhà Tống chỉ trích Võ Tắc Thiên mạnh mẽ nhất.
Đến thời nhà Tống, các sử gia Trung Quốc lại càng có cái nhìn tiêu cực về Võ Tắc Thiên. Bởi Nho giáo không bao giờ chấp nhận để một người phụ nữ bước lên đỉnh cao quyền lực.
Trên thực, trong triều nhà Đường thời bấy giờ cũng có đại thần ủng hộ bà, coi Võ Tắc Thiên là người quyết đoán, có tài trị nước. Đó là lý do dưới thời Võ Tắc Thiên dân chúng vẫn yên ổn làm ăn, đất nước lớn mạnh, còn những vụ lộn xộn, tranh quyền ở triều chỉ được coi là việc riêng.
Trong quãng thời gian trị vì ngắn ngủi, Võ Tắc Thiên có công mở mang lãnh thổ Trung Quốc, vươn tầm ảnh hưởng sang Trung Á, xóa sổ vương quốc Cao Câu Ly ở phía bắc bán đảo Triều Tiên. Phật giáo ngày càng được phổ biến. Bà coi phát triển kinh tế, duy trì sự ổn định trong nước là ưu tiên hàng đầu.
Sử gia Trung Quốc Tư Mã Quang từng đánh giá về Võ Tắc Thiên trong Tư trị thông giám:“Nếu bà nhìn thấy một đại thần nào đó là không đủ năng lực, sẽ ngay lập tức sẽ bãi chức. Thái hậu có óc quan sát và phán đoán tốt, vì vậy những nhân tài đương thời cũng đều có cơ hội được dùng”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông trước khi qua đời, thường đánh giá lại những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Hoa và Võ Tắc Thiên cũng không phải ngoại lệ.
“Võ Tắc Thiên không phải là người đơn giản. Bà ấy có tầm hiểu biết rộng và rất biết cách dùng người. Nhưng Võ Tắc Thiên cũng đã giết rất nhiều người”, Mao Trạch Đông từng nói, theo Best China News.