Trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận liên quan để đề nghị can thiệp ngừng việc bán đấu giá
ấn vàng "
Hoàng đế chi bảo" và chuyển giao quyền sở hữu cho phía Việt Nam.
|
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - Ảnh: Millon.com |
"Chúng tôi cũng đã trao đổi với Hãng đấu giá Millon và tham vấn với các tổ chức chuyên về di sản văn hóa nghệ thuật cũng như các cá nhân có liên quan, để tìm hiểu thông tin và thông báo cho các cơ quan liên quan trong nước, tạo cơ sở cho việc đàm phán.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các cơ quan liên quan thực hiện lộ trình, thủ tục đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, đảm bảo các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như của Pháp", bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc hồi hương được ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài mà còn khẳng định sự đúng đắn, kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế…
|
Đoàn đàm phán hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - Ảnh: Cục Di sản văn hóa |
Trước đó, sau khi đàm phán, phía Việt Nam và Hãng đấu giá Millon đã thống nhất chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có nhiều nét tương đồng với hai ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" và "Hoàng đế tôn thân chi bảo" hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
|
Chuyên gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ảnh: Cục Di sản văn hóa. |
Cả ba ấn vàng đều được đúc bằng vàng 10 tuổi, chế tác theo cùng một mẫu thức với mặt ấn hình vuông, lưng giật hai cấp, quai hình rồng uốn khúc, trán rồng khắc chữ Vương, chân rồng rõ năm móng. Kích thước và trọng lượng của ba ấn vàng cũng tương đương nhau.
Đây là dạng thức ấn chưa từng xuất hiện ở các triều đại trước hay ở các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.
Mời quý độc giả xem video: Nỗ lực hồi hương ấn vàng. Nguồn: VTV4.