Năm 1357, thượng hoàng Trần Minh Tông mất. Khi đó Trần Dụ Tông đã 22 tuổi, tự mình nắm quyền chính. Vào mùa hè, tháng 4 năm Đinh Dậu 1357 (niên hiệu Thiệu Phong thứ bảy), ông phong cho người anh là Trần Thiên Trạch tước Cung Tín vương. Lúc này, các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi đều đã qua đời và triều đình bắt đầu lâm vào cảnh rối loạn.
Các gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính. Thấy triều chính hỗn loạn, danh nho Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần, nhưng nhà vua không nghe, nên ông liền bỏ quan về nhà mở trường dạy học. Các vị quan khác trong triều đình khi ấy tuy có tài giỏi như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát nhưng không can gián được vua bớt ăn chơi, hưởng lạc.
Vua Trần Dụ Tông chỉ thích ăn chơi, hưởng lạc.
Chu Văn An yêu thích núi Chí Linh nên ông về cư ngụ tại đó, chỉ khi nào có buổi thiết triều quan trọng thì mới tới kinh sư. Vua Trần Dụ Tông muốn giao cho Chu Văn An đại quyền, thế nhưng Chu Văn An một mực khước từ không nhận. Ngay cả khi nhà vua ban áo mũ cho Chu Văn An, nhưng vị danh nho này chỉ đa tạ thôi chứ không nhận. Thấy vậy, Hiến Từ Thái hoàng thái hậu đã khuyên can nhà vua rằng:
- Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, vậy thì ta sai bảo thế nào được ông ta?
Càng về những năm cuối đời, vua Trần Dụ Tông càng ham chơi bời, mê đàn hát, thường sai các vương hầu và công chúa bày tiệc đóng trò hát tuồng cho vui, ai diễn hay thì được thưởng. Mặc dù phép tắc nhà Trần rất nghiêm khắc với tội đánh bạc, nhưng Trần Dụ Tông lại thích trò này, nhà vua thường chiêu tập các nhà giàu vào cung cùng đánh bạc. Sử cũ chép có người đã sàm tấu với ông rằng thái úy Nguyên Trác đã yểm bùa hại ông. Vì lời này mà nhà vua tí nữa là sát hại Nguyên Trác, nhưng Hoàng thái hậu đã can ngăn kịp thời.
Không những ham chơi đàn hát, cờ bạc, Trần Dụ Tông còn là người nghiện rượu, thích rủ các quan cùng uống thi. Ai uống thắng được thì ông cho thăng chức. Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo uống gian dối nên đã được thăng chức. Tuy nhiên, vua Trần Dụ Tông không biết và vẫn cứ tin là thật, nên đã thưởng tước hai tư để Bùi Khoan được dự thăng trật.
Nhà vua còn sai phu xây cất nhiều cung điện, đào hồ ở vườn trong hậu cung, trong hồ xây đá làm núi, trồng nhiều cây cỏ lạ và nuôi chim thú quý. Sau đó, nhà vua lại sai xây hồ, rồi còn lệnh cho dân ra biển chở nước mặn đổ vào hồ và thả cá biển, đồi mồi vào nuôi.
Vua thích chơi bời, các quý tộc cũng hưởng ứng theo khiến triều đình ngày càng rối ren và thối nát. Ngoài cung thì dân chúng mất mùa trong nhiều năm. Trần Dụ Tông chỉ có các biện pháp khắc phục tạm thời như sai các nhà hào phú bỏ thóc lúa chu cấp cho người nghèo để chống đói và thưởng chức tước cho họ để trả công. Nhà vua không hề quan tâm tới việc đắp đê và làm thủy lợi để phát triển nông nghiệp lâu dài.
Chính sử gia đương thời là Phan Phu Tiên đã nói: Luật pháp nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc đến như vậy, thế mà đến đời Trần Dụ Tông lại công nhiên làm bậy, gọi những người giàu vào cung đánh bạc. Từ đó về sau, người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà mất nước.
Để có tiền cho nhà vua đánh bạc, ăn chơi, xây cung điện, triều đình nhà Trần khi ấy đã đẻ ra vô vàn thứ thuế. Vì bị sưu cao thuế nặng, dân trong nước oán thán, nổi lên làm loạn. Mặc dù các cuộc nổi dậy bị dẹp nhưng nhân tài vật lực trong nước bị hao tổn, kho tàng trống rỗng. Từ đó, triều đại nhà Trần ngày càng suy tàn. Và ngai vàng của nhà Trần từ đó cũng càng ngày càng mục ruỗng, không cách gì cứu vãn nổi.
Lời bàn:
Đế quốc phong kiến Mông - Nguyên đương thời có đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Thế nhưng nước Đại Việt lúc đó nằm liền kề trên đại lục Trung Hoa, có chung đường biên giới cả ngàn dặm với người Mông mà người Mông vẫn không đánh chiếm được. Một đế quốc đã nắm trùm cả đại lục Á - Âu mà không lấy nổi một dải đất bé nhỏ ở phía Nam. Có so sánh tương quan lực lượng với kẻ địch và vị trí địa lý mới thấy được sự vĩ đại của chiến công 3 lần đánh đuổi quân xâm lượt Mông - Nguyên của nhà Trần. Nhà Trần là một trong những triều đại oai hùng nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và đã để lại nhiều bài học quý giá về đấu tranh giữ nước cho đời sau.
Tiếc rằng, lịch sử oai hùng của cha ông là vậy, nhưng con cháu nhà Trần ở mấy đời về sau không biết giữ gìn, mà còn cố tình phá hỏng. Thời mà dân thường bị cướp là thời loạn, còn như thời mà cả đến nhà vua ở trong cung cấm mà cũng bị cướp thì quả là đại loạn. Một triều đình bất ổn, thì xã tắc làm sao yên được. Thế mới hay rằng, dân là gốc và sức dân như sức nước, đẩy thuyền đi cũng là nước, mà nhấn chìm thuyền cũng là nước. Hậu thế xin đừng ai nói rằng không hiểu và không nhớ điều đơn giản này.