Vị vua nhà Trần nào có 4 con trai đều làm vua?

Google News

Trần Minh Tông là vị vua mà có tới 4 người con trai làm vua Trần lần lượt sau ông: Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Nghệ Tông...

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", vua Trần Minh Tông có tên thật là Trần Mạnh, là vị vua thứ năm của nhà Trần (sau Trần Anh Tông và trước Trần Hiến Tông). Trần Minh Tông là người con thứ tư của vua Trần Anh Tông và Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần Thị (con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng). Ông sinh ngày 21 tháng 8 âm lịch năm 1300, một ngày sau khi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mất.

Bấy giờ, các hoàng tử sinh ra đều khó nuôi nên khi hoàng tử Mạnh chào đời, thượng hoàng Anh Tông nhờ công chúa Thụy Bảo (cô ruột của thượng hoàng Anh Tông) nuôi hộ. Công chúa Thụy Bảo cho rằng mình đang bị ách vận cho nên đã đưa hoàng tử Mạnh nhờ anh ruột là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật nuôi. Chiêu Văn vương coi hoàng tử Mạnh không khác gì con mình. Ông nghĩ con trưởng mình là Thánh An, con gái là Thánh Nô nên mới đặt tên cho hoàng tử Mạnh là Thánh Sinh. Hoàng tử được nuôi như vậy đến tận lúc lên ngôi.

Vi vua nha Tran nao co 4 con trai deu lam vua?

Tượng thờ vua Trần Minh Tông.

Năm Giáp Dần (1314), vua cha là Trần Anh Tông truyền ngôi, khi ấy ông mới 14 tuổi lên nối ngôi. Ông đổi niên hiệu là Đại Khánh. Thượng hoàng Anh Tông vẫn giúp đỡ ông trông coi chính sự. Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời vua trước đã tạo nên. Ông ở ngôi 15 năm (1314-1329) và làm thái thượng hoàng 28 năm. Trần Minh Tông là vị vua mà có tới 4 người con trai làm vua Trần lần lượt sau ông: Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Nghệ Tông.

Minh Tông là người có lòng nhân hậu, hay thương người nhưng xét việc chưa minh. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Tuy nhiên, do quá tin vào Trần Khắc Chung cùng Văn Hiến Hầu nên năm 1328 đã giết Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, là ông chú ruột, đồng thời là quốc trượng (cha vợ). Cũng bắt đầu từ triều đại của Minh Tông, ngoại thích họ Lê - tức Lê Quý Ly, có cơ sở để chuyên quyền về sau, vì các vua là Hiến Tông, Nghệ Tông và Duệ Tông đều là con của hai người cô của Lê Quý Ly - Hồ Quý Ly.

Năm Ất Mão (1315), vua Trần Minh Tông định lệ cấm người trong họ không được kiện cáo nhau. Đến năm Quý Hợi (1323), ông mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước. Và một trong những người tài giỏi được nhà vua trọng dụng đó là Lê Cư Nhân. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông làm quan trải ba đời vua là Trần Minh Tông (1314 - 1329), Trần Hiến Tông (1329-1341) và Trần Dụ Tông (1341-1369). Sinh thời, ông nổi tiếng là bậc chính trực và liêm khiết.

Thời Trần Minh Tông, tuổi tuy còn trẻ nhưng Lê Cư Nhân đã làm quan đến chức Tông chính Đại khanh. Và ông đã từng cả gan chê quan Hành khiển Trương Hán Siêu làm chính trị chẳng khác gì thôn cầu cước (nghĩa là chân đá cầu nhà quê, sai nhiều mà đúng chẳng bao nhiêu).

Năm Trương Hán Siêu mất (1354) cũng là năm Lê Cư Nhân qua đời. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có chép lại một mẩu chuyện nhỏ về ông như sau:

Hồi vua Minh Tông còn trị vì, Lê Cư Nhân giữ chức Nội mật, lại kiêm cả việc Thẩm hình. Có lần Lê Cư Nhân tra xét án ngục ở nhà, bị quan Trung úy là Quách Lao hặc lỗi. Vua Minh Tông hỏi ông rằng sao không tránh đi. Ông trả lời rằng, thần thà chịu trách phạt chứ không dám lừa dối. Làm quan mà lừa dối thì làm sao mà thống lĩnh được liêu thuộc của mình.

Về sau, Lê Cư Nhân được truy tặng chức Nhập nội Hành khiển Hữu ti Lang trung Đồng tri Tả ti sự.

 
Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên và ngẫm cho kỹ những lời Lê Cư Nhân chê người khác cùng những lời ông tự nhận lỗi, cũng đủ biết ông là người ra sao. Hơn nữa, Hành khiển là chức quan đứng đầu các quan trong triều, với uy quyền dưới một người mà trên muôn người. Và quan Hành khiển Trương Hán Siêu là bậc văn tài xuất chúng vào thời ấy, người mà đến vua Trần cũng gọi bằng thầy, thì uy quyền lại còn lớn biết chừng nào. Thế nhưng với Lê Cư Nhân, uy quyền chẳng là gì cả. Bởi ông chỉ sợ điều đúng chớ không sợ quan to nên mới dám chỉ trích quan Hành khiển Trương Hán Siêu làm chính trị giống như anh nhà quê đá cầu.

Về phần mình, mặc dù biết rằng tra xét án ngục tại nhà thì làm sao mà tránh được lời đàm tiếu thị phi của thiên hạ? Thế nhưng Lê Cư Nhân vẫn cứ làm và làm công khai chứ không thèm tránh mặt Quách Lao là hạ cấp của mình. Xem ra việc làm ấy của Lê Cư Nhân cũng chỉ là sự thường, nhưng ở đời đã có mấy ai làm được cái sự thường ấy. Vì thời nay cũng có không ít quan xét án tại gia, nhưng cổng chính không mở, mà họ chỉ mở cổng hậu hoặc cổng phụ. Và người trông coi những cổng này không ai khác ngoài bà chủ. Bởi thế mới có nhiều án oan, án sai, án quá hạn luật định...

Theo N.N/Báo Bình Phước

>> xem thêm

Bình luận(0)