Vị sư xứ Thanh và chuyện “nhập mộng liệu bệnh”
Tại vùng đất Hàm Rồng nổi tiếng ở xứ Thanh có một ngôi chùa nằm trên triền núi thuộc làng Đông Sơn, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn (nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Chùa có tên chữ là Vân Am tự, lại có tên gọi khác là Quán Viên tự, Bồ Đề tự, chùa Đông Sơn, chùa Phạm Thông… với cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, là đề tài được nhiều danh sĩ ghi lại và ca ngợi qua thơ ca.
Chùa Đông Sơn là một chốn thiền môn có tiếng từ thời Trần, là nơi mà nhiều vị cao tăng từng trụ trì, trong đó có hai thiền sư – danh y sống vào thời Trần là Quán Viên (thế kỷ XIII) và Phạm Thông (thế kỷ XIV). Riêng về thiền sư Quán Viên, có một giai thoại liên quan đến chuyện Ngài từng chữa bệnh cho vua Trần Anh Tông (1293-1314) được nhiều thư tịch xưa ghi chép lại.
|
Tượng thờ Trần Anh Tông tại đền Trần – Nam Định. (Nguồn: hotranvietnam.vn). |
Chuyện kể rằng vua Trần Anh Tông bị đau mắt hơn một tháng, các ngự y đều bó tay, các danh y trong nước được triệu đến cũng lắc đầy. Bệnh tình của nhà vua ngày một trầm trọng, mắt đau nhức nhối, ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Bỗng một đêm vua mộng thấy một vị sư đến xoa tay vào mắt mình, càng xoa càng dễ chịu. Vua cất tiếng hỏi danh tính, vị sư đáp xong thì nhà vua giật mình tỉnh giấc, đôi mắt thấy đỡ đau nhức và chỉ mấy ngày sau thì khỏi hẳn. Nhớ đến giấc mộng lạ, vua sai người đi dò tìm thì được biết đó là sư Quán Viên ở chùa Đông Sơn, giới hạnh thuần khiết, mắt tuệ vẹn nhuần, nổi tiếng khắp cả một vùng, liền cho mời sư về kinh đô diện kiến. Khi gặp, vua thấy hình dáng, mặt mũi y hệt người đã thấy trong mơ nên lấy làm kỳ lạ ban thưởng rất hậu và phong cho làm Quốc sư.
Trong cuốn Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng viết năm Mậu Ngọ (1438) khi đang sống ở Bắc quốc có tiểu truyện “Nhập mộng liệu bệnh” (Chữa bệnh trong mộng) cũng ghi lại câu chuyện kỳ lạ này như sau:
“Nhà sư chùa Đông Sơn tên là Quán Viên, giới hạnh thanh bạch, mắt tuệ vẹn nhuần, mấy chục năm không xuống núi. Gặp khi Trần Anh Vương đau mắt đã hơn một tháng, chữa thuốc không hiệu quả, ngày đêm chói nhức. Bỗng nằm mộng thấy một nhà sư lấy tay xoa vào mắt. Vua hỏi:
- Nhà sư từ đâu tới, tên là gì?
Đáp:
- Tôi là Quán Viên, đến cứu mắt vua.
Tỉnh mộng, mắt liền hết đau, vài ngày khỏi hẳn. Dò hỏi tăng đồ, quả nhiên có sư hiệu là Quán Viên ở chùa Đông Sơn. Sai người mời đến, y hệt vị sư đã thấy trong mộng. Vua lấy làm lạ, phong làm Quốc sư, ban thưởng rất hậu, nhà sư đều đem phân phát hết không để lại một đồng nào, mặc áo tràng vá mà về núi, dường như chẳng quan tâm. Từ đấy về sau, nhà sư đi vân du khắp các nơi sơn xuyên, châu huyện, làng mạc, hễ có miếu thờ tà thần không chính đáng, làm hại dân, sư đều quở trách đuổi đi hết, chặt phá cả miếu đàn. Còn những vị đại thần lớn, thiêng và dữ, phần nhiều hiển hiện hay báo mộng ra đón từ ngoài thỉnh mệnh thì sư thụ giới cho, giảm bớt cúng tế, bắt phải bảo vệ dân, không ai dám xúc phạm. Người đời sau vẫn còn nhớ ơn”.
Giấc mộng lạ của đế vương về nhà sư chùa Quang Khánh
Tương tự như Trần Anh Tông, người kế vị ông là Trần Minh Tông (1314-1329) cũng có một giai thoại về giấc mộng lạ kỳ.
Tương truyền một năm, Trần Minh Tông bỗng dưng bị bệnh đau mắt, các ngự y dùng mọi phương thuốc để chạy chữa nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Một đêm nọ, nhà vua ngủ mơ thấy có một vị cao tăng tự xưng là Ông Mộng đến xin chữa bệnh đau mắt; khi thức dậy, quả nhiên mắt vua đã khỏi.
Mời quý độc giả xem video: Phát hiện mới tại Hoàng thành Thăng Long. Nguồn: VTC1.
Câu chuyện kỳ lạ này không thấy ghi trong chính sử nhưng dã sử và một số thư tịch khảo cứu viết bằng Hán Nôm có ghi lại. Trong sách Hải Dương phong vật chí tóm lược như sau: “Chùa Quang Khánh ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành có một vị sư gọi là Ông Mộng, tu luyện đắc đạo, pháp thuật tinh thông. Vua Trần Minh Tông bị khổ về chứng đau mắt, nằm mộng thấy có một nhà sư đến chữa, tự xưng là Ông Mộng. Khi tỉnh dậy, không cần dùng đến thuốc mà mắt tự khỏi, bèn sai người đi tìm hỏi khắp nơi, đến chùa tìm được nhà sư, sắc phong làm Từ Giác Quốc sư”.
Trong Hải Dương phong vật khúc có viết tóm lược chuyện này bằng mấy câu thơ như sau:
Nọ Ông Mộng già lam tu luyện,
Vì Minh Tông ứng hiện lai y.
Trần triều phong sắc Quốc sư,
Thuở triều Hồng Đức đôi thơ biển vàng.
Theo sách Đồng Khánh dư địa chí, chùa Quang Khánh nằm ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành do thiền sư Huệ Nhẫn khởi dựng từ thời Trần. Ông Mộng chính là tên thường gọi của nhà sư Huệ Nhẫn; vì là người sáng lập ra chùa nên Ngài được tôn làm sư tổ của chùa.
|
Tượng thờ Trần Minh Tông tại đền Trần – Nam Định. (Nguồn: hotranvietnam.vn). |
Ngôi chùa này nay thuộc thôn Dưỡng Mông, xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đời Hậu Lê, có lần Lê Thánh Tông đến thăm cảnh chùa, vua có làm hai bài thơ rồi sai người đem khắc vào biển sơn son thiếp vàng đem treo trước cửa tiền đường của chùa. Một bài bằng chữ Hán theo thể Đường luật, một bài bằng chữ Nôm.
Bài 1
Kê điền đống vũ bán đồi khuynh.
Tát quải huề dư phỏng hóa thành.
Đại giác hải trung quân dị độ,
Vô cùng môn lý ngã nan hành.
Ngũ viên trạm trạm nguyên phi sắc,
Lục độ trừng trừng diệc hữu tình.
Mãnh tỉnh tối phi đê thủ khác,
Bàng nhân thận vật thuyết tam sinh.
Nghĩa là:
Nửa chùa nghiêng đổ cảnh kê điền,
Cõi Phật vì đâu dễ biến thiên.
Đại giác biển sâu người dễ vượt,
Ta nào qua khỏi cửa vô biên.
Năm tròn lặng lẽ nguyên không sắc,
Sáu độ lâng lâng cũng hữu tình.
Tỉnh ngộ há rằng tay khách kém,
Xin người khoan hãy nói tam sinh.
(Bản dịch của Nguyễn Thị Lâm)
Bài 2:
Dắng dỏi chào ai tiếng pháp chung,
Ngang đây thoắt lộ chạnh bên dòng.
Trừng thanh lẻo lẻo trần hiêu cách,
Gác thẳm làu làu ngọc giá đông.
Sức nức đưa hoa, hương mượn gió,
Líu lo chào khách, vẹt thay đồng.
Nhủ đoàn tự đắc ngao du đấy,
Cho biết cơ mầu uống chẳng vòng.
Nội dung bài thơ thứ hai còn được khắc trên bia đá, hiện tại chùa vẫn còn tấm bia này với nhan đề “Ngự đề Quang Khánh tự” (Nhà vua đề vịnh chùa Quang Khánh).
Thường thì trực tiếp khám bệnh, bốc thuốc giúp chữa trị cũng là điều không phải một sớm một chiều mà người bệnh có thể khỏi ngay, thế nhưng giai thoại chỉ trong giấc mộng lạ mà vua Trần Anh Tông và Trần Minh Tông được cao tăng chữa khỏi bệnh đúng là chuyện lạ trong số các chuyện lạ về đế vương nước Việt.