Người dân làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc (nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tự hào là làng có đủ “tam khôi”, bao gồm trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. Nơi đây còn tự hào xuất sinh hai Trạng nguyên kiệt xuất vào hai thời kỳ lịch sử khác nhau của Đại Việt. Đó là trạng nguyên Nguyễn Quán Quang và trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu. Trong đó, Ngô Miễn Thiệu được khen là “lập thi thoái lộ”, nghĩa là đứng làm thơ mà đẩy lui được uy hiếp của quân Minh.
Họ Ngô hiếu học
Một trong những người con xuất sắc của làng Tam Sơn là Ngô Thầm đỗ bảng nhãn khoa thi năm 1493. Ông là một trong nhị thập bát tú của hội thơ văn Tao Đàn nổi tiếng thời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến Thượng thư, Thái Bảo.
Năm 1499, Ngô Thầm sinh được con trai đặt tên là Ngô Miễn Thiệu. Miễn Thiệu là người thông minh, kế thừa truyền thống hiếu học của họ Ngô.
Năm 1518 khi 20 tuổi, Ngô Miễn Thiệu thi đỗ Trạng nguyên dưới thời vua Lê Chiêu Tông. Ông làm quan cho nhà Lê 9 năm, giữ chức Ngự sử – Lễ bộ Thượng thư – Đông các Đại học sĩ, tước Trình Khê bá.
Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Ngô Miễn Thiệu vì trung thành với nhà Lê nên không chịu làm quan cho nhà Mạc, ông về quê làng Tam Sơn dạy học. Trong 8 năm dạy học ở quê nhà, dưới bàn tay dạy dỗ của ông, rất nhiều người thi đỗ tiến sĩ và trở thành trí thức phục vụ cho đất nước.
Từ khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Minh cho sứ sang hỏi tội nhiều lần, Mạc Đăng Dung phải nhiền lần dùng vàng bạc nhờ các quan ở Vân Nam tâu lên Triều đình nhà Minh giúp.
Tuy nhiên vua Minh vẫn có ý đánh nhà Mạc. Nhà Minh cử các tướng dẫn quân uy hiếp, xem động thái nhà Mạc thế nào. Tướng Trương Nhạc ép Mạc Đăng Dung phải đích thân đến cửa Nam Quan bỏ Đế hiệu, và chịu tiến cống theo lịch trình.
Mạc Đăng Dung cùng các cận thần đến Nam Quan, rồi tự trói mình gặp sứ nhà Minh, chấp nhận theo đúng các yêu cầu, thần phục mà không xưng Đế.
Nhà Minh yêu cầu trả lại mấy động mà Nùng Trí Cao đã chiếm từ thời nhà Lý và cống nạp theo lệ, Mạc Đăng Dung đều chấp nhận. Nhờ đó mà quân Minh không tiến sang nước ta.
Nhà Minh làm thơ miệt thị nhà Mạc
Sau này nhà Mạc mấy năm liền tiến công đều thiếu, vua Minh sai Hán Ninh Hầu Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ thống lĩnh một đội quân khoảng 5 vạn sang hỏi tội nhà Mạc. Đội quân này đóng ngay nơi biên giới hai nước.
Mao Bá Ôn làm bài thơ “Vịnh bèo” nhằm miệt thị nhà Mạc và cũng là để thăm dò nhân tài nước Nam, bài thơ như sau:
Tùy điền trục thủy mạo ương châm
Đáo xứ khan lai thực bất thâm
Không hữu căn miêu không hữu diệp
Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm
Thiên trùng lãng đả thành nan phá
Đãn thức phù thì ná thức trầm
Đại để trung thiên phong khí ác
Tảo qui hồ hải cánh nan tầm
Bản dịch của Thạch Can:
Tràn lan ruộng nước nổi bồng bềnh
Khắp chốn xem ra gốc bám nông
Riêng có rễ mầm, riêng có lá
Dám sinh cành cội dám sinh lòng
Tụ rồi lúc tán hay chăng tá
Nổi đó khi chìm có biết không?
Đến lúc chiều trời dông bão nổi
Quét ra hồ biển sạch bong bong
Bài thơ của Mao Bá Ôn có đại ý là: Bèo mọc trong ruộng nước nhỏ như cái kim, rễ bám vào đâu thì không ai biết, không ăn sâu. Bèo đã không gốc rễ, không có lá, không có cả cành. Tuy rằng hợp lại đấy nhưng tan rã cũng rất mau, chỉ một trận gió là tan tác, nếu gặp phải khí trời xấu, bão gió thì quét một trận là ra hồ ra bể, không ai còn thấy vết tích nữa
Sở dĩ Mao Bá Ôn chọn “vịnh bèo” là bởi ông nội của Mạc Đăng Dung là Mạc Bình, mà “bình” là “bèo”. Bài thơ có ngụ ý châm biếm nhà Mạc rất rõ.
Ngô Miễn Thiệu làm thơ đẩy lui quân Minh
Nhà Mạc nhận được bài thơ nhưng không ai họa lại được. Cuối cùng có người tâu lên rằng Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu có khả năng họa lại được bài thơ này. Vua bèn cho triệu mời Ngô Miễn Thiệu vào cung.
Ngô Miễn Thiệu xem xong bài thơ rồi nói: “Nếu không có lời lẽ thống thiết thì làm sao lui được quân Minh, nhà Vua muốn thì có khó gì!”
Rồi ông đứng lên đi đi lại lại trong phòng đọc bài thơ “điệp văn” cho viên quan bộ Lễ chép lại, ký tên là Đầu Mục Mặc Đăng Dung, bài thơ như sau:
Cẩm lân mật mật bất dung châm
Đái diệp liên căn khởi kế thâm
Thường dữ bạch vân tranh thủy diện
Khẳng giao hồng nhật chiếu ba tâm
Thiên trùng lãng đả thành nan phá
Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm
Đa thiểu ngư long tàng giá lí
Thái công vô kế hạ can tầm
Bản dịch của Trí Thủ:
Chen nhau vảy gấm khó luồn kim
Cành rễ liền nhau chẳng kể thân
Tranh với bóng mây trên mặt nước
Hé dung ánh nhật lọt dòng tâm
Nghìn trùng sóng đánh thường không vỡ
Muôn trận phong ba cũng chẳng chìm
Nào cá nào rồng trong ấy ẩn
Cần câu Lữ Vọng khó mà tìm.
Bài thơ của Ngô Miễn Thiệu có đại ý là: Bèo kết lại với nhau đầy đặc như vảy gấm, dù cái kim chui qua cũng không lọt, cành rễ liền nhau mọc chằng chịt ăn rất sâu. Thường cùng đám mây trắng tranh vẻ đẹp trên mặt nước, ôm cả vầng mặt trời vào lòng sóng, ngàn trùng sóng đánh cũng e khó có thể phá, vạn trận gió cồn cũng chẳng thể nào chìm. Bèo còn có cá rồng ẩn mình bên dưới, và khi Thái Công hết kế thì cũng buông câu xuống dưới đám bèo mà tìm.
Mao Bá Ôn đọc xong bài thơ “điệp văn” thì biết nước nam vẫn còn nhân tài, không có khả năng uy hiếp được, liền thu quân trở về.
Mao Bá Ôn tâu lên Triều đình nhà Minh, nhắc lại chuyện ngày xưa khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh cũng đem quân sang đánh với lý do khôi phục nhà Trần. Sau cùng dù có đánh thắng nhà Hồ nhưng quân Minh lại thảm bại bởi nghĩa quân Lam Sơn.
Người thời đó có câu khen trạng Ngô Miễn Thiệu là “lập thi thoái lộ” nghĩa là đứng làm thơ mà đẩy lui được giặc.