Xuất hiện trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, phái Hoa Sơn có bản doanh nằm trên dãy Hoa Sơn của tỉnh Thiểm Tây nổi danh với Hoa Sơn kiếm pháp và Tử hà thần công. Phái Hoa Sơn có hai trường phái tranh chấp nhau là phe kiếm tông lấy chiêu số kiếm thuật làm trung tâm, phe khí tông lấy việc rèn luyện nội công làm điểm mạnh. Hai phe phái này từng gây mâu thuẫn cực điểm trong quá khứ và gây một cuộc chém giết đẫm máu khiến cho các nhân tài phái Hoa Sơn bị tiêu diệt. Nguyên nhân của việc chia rẽ này có liên quan đến môn võ công thượng thừa Qùy hoa bảo điển.
Theo lời kể của Phương Chứng đại sư, trụ trì Thiếu Lâm Tự thì Qùy hoa bảo điển vốn là một bí lục do một cặp vợ chồng tiền nhân sáng tạo ra. Phần do người chồng sáng tạo gọi là "Càn kinh" và phần do người vợ sáng tạo gọi là "Khôn kinh", đây là hai phần hoàn toàn khác biệt thậm chí đối kháng nhau (theo như bản sửa đổi sau này của cố nhà văn Kim Dung thì Quỳ hoa bảo điển do một thái giám trong cung sáng tạo ra được xưng là "Quỳ Hoa lão tổ"). Sau một thời gian, bộ sách Quỳ hoa bảo điển vô tình truyền đến phái Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến.
Cũng thời gian đó, có hai tiền nhân phái Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc và Chu Tử Phong cùng đến Nam Thiếu Lâm không biết bằng cách nào đọc lén được bộ sách rồi về Hoa Sơn tu luyện. Khi biết chuyện, trụ trì Nam Thiếu Lâm là Hồng Diệp thiền sư đã sai môn đồ của mình là Độ Nguyên thiền sư đến Hoa Sơn khuyên hai người kia không nên rèn luyện Quỳ hoa bảo điển. Hai người kia tưởng lầm Độ Nguyên đã tinh thông bộ bảo điển nên đọc lại nhờ nhà sư kiểm chứng. Không ngờ Độ Nguyên thực ra không biết gì hết, nhưng cũng bị cuốn hút bởi bộ sách nên dụng tâm ghi nhớ, đêm về chép lại vào trong áo cà sa. Sau đó Độ Nguyên hoàn tục rồi đổi tên thành Lâm Viễn Đồ, những võ công chép được vào áo cà sa gọi là Tịch tà kiếm pháp, vốn chỉ là một phần trong Quỳ hoa bảo điển, nhưng cũng nhờ nó mà họ Lâm trở thành một cao thủ nổi tiếng giang hồ.
Về phần hai vị tiền nhân của phái Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc và Chu Tử Phong, dù cùng nhau tu luyện Quỳ hoa bảo điển, nhưng mâu thuẫn về việc triết giải sách đã tranh cãi, dẫn đến việc chia rẽ phái Hoa Sơn thành hai trường phái là khí tông và kiếm tông.
Nguyên Mẫn Túc trở thành ông tổ của phe khí tông, coi trọng việc rèn luyện nội công (mà hậu duệ tiêu biểu sau này là Nhạc Bất Quần) còn Chu Tử Phong trở thành ông tổ phe kiếm tông, lấy việc rèn luyện kiếm chiêu làm trung tâm (mà hậu duệ là Phong Bất Bình, Thành Bất Ưu, Bảo Bất Khí...). Hậu quả của việc này là hai phái tranh chấp, dẫn đến chém giết lẫn nhau, chỉ có một mình Phong Thanh Dương vì không ham hố đấu đá nên thoát nạn. Kết cục của việc này là mười đại trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo kéo đến Hoa Sơn, cướp bộ sách Quỳ hoa bảo điển về mình. Về sau, bộ sách truyền đến Đông Phương Bất Bại, là người duy nhất rèn luyện thành võ công này và trở thành thiên hạ đệ nhất cao thủ đương thời.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Nhạc Bất Quần là chưởng môn phái Hoa Sơn nằm trong Ngũ Nhạc kiếm phái. Nhạc Bất Quần đã bày mưu kế để lấy trộm Tịch tà kiếm phổ rồi đổ mọi tội lỗi lên đầu đại đệ tử của mình là Lệnh Hồ Xung, sau đó âm thầm luyện tập với âm mưu lớn nhất trong đời là lên làm minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái sau khi Ngũ nhạc kiếm phái được hợp nhất. Sau khi dùng nhiều thủ đoạn, cuối cùng âm mưu của Nhạc Bất Quần cũng đạt được, y đã trở thành minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái.
Nhưng vì tham vọng quyền lực quá lớn, Nhạc Bất Quần muốn tiêu diệt Nhật nguyệt thần giáo, tiến tới thống nhất võ lâm nên cuối cùng bại trận dưới Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung, bị buộc uống Tam thi não thần đan, bị chết dưới tay ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn.