Thói quen ăn uống xa hoa và đa nghi của Từ Hi
Không những khoác lên mình những bộ trang phục xa hoa, có nhiều trang sức, châu báu lộng lẫy, Từ Hi Thái hậu còn có yêu cầu rất cao về chất lượng cuộc sống, đặc biệt là trong ăn uống.
Theo các ghi chép trong lịch sử, để người khác không biết món yêu thích và sợ bị đầu độc nên Từ Hi Thái hậu chỉ ăn mỗi món không quá ba miếng, hơn nữa không phải món nào cũng ăn.
Sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912, một thái giám tên là Tín Tu Minh đã viết cuốn sách mang tên "Cung đình tỏa ký" kể về cuộc đời của ông khi còn ở trong cung vào những năm cuối của nhà Thanh. Cuốn sách này mô tả những thay đổi lịch sử, cuộc sống ở trong cung mà vị thái giám này đã được nghe và trông thấy. Thậm chí, cuốn sách còn tiết lộ về những chi tiết trong đời sống thường nhật của các vị hoàng đế, quan đại thần và thái giám vào cuối triều nhà Thanh.
Theo "Cung đình tỏa ký", vào thời hoàng đế Quang Tự, nơi phụ trách nấu nướng trong hoàng cung được chia thành 2 bộ phận. Trong đó, một phần là Ngự thiện phòng, nơi phục vụ cho hoàng đế Quang Tự, phần còn lại bao gồm Thọ thiện phòng và Thọ trà phòng được thiết lập để phục vụ cho Từ Hi Thái hậu.
Cụ thể, Thọ thiện phòng phụ trách đồ ăn, còn Thọ trà phòng phụ trách chuẩn bị hoa quả, trà, đồ ăn nhẹ cho Từ Hi Thái hậu.
Ngoài ra mỗi sáng thức dậy, Từ Hi thái hậu sẽ phải dùng sương sớm để súc miệng. Chính vì thế các cung nữ thường phải dậy vào lúc nửa đêm để có thể thu được những giọt sương tinh khiết nhất cho thái hậu súc miệng, nếu không muốn bị phạt.
Ngay cả khi qua đời, Từ Hi thái hậu còn được chôn cùng lượng trang sức và đồ xa xỉ trị giá 1,2 triệu lạng bạc. Năm 1928, phần mộ của bà bị lãnh chúa Tôn Điện Anh và quân đội cướp phá. Quan tài của vị thái hậu này bị phá huỷ khiến toàn bộ của cải, vàng bạc đá quý đều bị lấy đi. Thậm chí Tôn Điện Anh còn cậy miệng của Từ Hy thái hậu để lấy đi viên dạ minh châu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, có một việc kỳ lạ được đề cập trong "Cung đình tỏa ký". Đó là Thọ thiện phòng được giao phải chuẩn bị 500 quả trứng mỗi ngày cho Từ Hi Thái hậu.
Chuẩn bị 500 quả trứng cho Từ Hi Thái hậu, sự thật là gì?
Trên thực tế, Từ Hi Thái hậu chỉ cần khoảng 20 quả trứng mỗi ngày. Trong khi ăn, thái hậu chỉ ăn một hoặc hai quả trứng. Vậy, vì sao trong căn bếp riêng của vị thái hậu này lại phải chuẩn bị 500 quả?
Vào thời nhà Thanh, thực phẩm ở các cung cũng được phân phối dựa trên cấp bậc của từng người. Đương nhiên, với quyền lực của Từ Hi Thái hậu, việc bà nhận được đặc quyền có 500 quả trứng mỗi ngày là điều không quá bất thường.
Nhưng chuyện nghịch lý là vị thái hậu này chỉ cần 20 quả mỗi ngày, vậy 480 quả còn lại sẽ dành cho ai?
Theo cuốn "Cung đình tỏa ký", các đầu bếp nhận nhiệm vụ chuẩn bị 500 quả trứng, nhưng chỉ 20 quả được chuẩn bị cho Từ Hi Thái hậu. Còn 480 quả trứng còn lại đều bị những người hầu cận với nhiều cấp bậc khác nhau bỏ túi riêng. Để ai cũng có phần, những người này khai báo số lượng trứng cần mua lên tới 500 quả và đương nhiên họ đều che giấu điều này với Từ Hi Thái hậu. Sau đó, họ bán số trứng thừa này và chia tiền cho nhau.
Từ Hi Thái hậu mặc dù biết loại chuyện này nhưng cũng chưa từng hỏi qua. Bởi vị thái hậu này chỉ quan tâm tới chất lượng và mức độ xa hoa của các bữa ăn. Do đó, cho dù những người hầu cận phía dưới là việc lén lút hay tham ô chút ít, Từ Hi Thái hậu cũng không quá bận tâm. Với vị thái hậu quyền lực này, chỉ cần những người này có thể phục vụ tốt thì sẽ không có vấn đề gì.
Trên thực tế, việc tham ô 480 quả trứng là chuyện rất bình thường vào cuối thời nhà Thanh. Theo đó, không chỉ trứng, những thực phẩm khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tình trạng tham nhũng của nội bộ chính quyền nhà Thanh xảy ra rất nhiều và nghiêm trọng, trong khi cuộc sống của người dân lại ngày càng khó khăn.
Vấn đề của nhà Thanh trong những năm cuối không chỉ do Từ Hi Thái hậu mà còn phụ thuộc vào các vấn đề đã tồn tại gây nhức nhối trong nội bộ. Trong đó, tình trạng tham nhũng xảy ra ở rất nhiều nơi. Ngay cả việc Từ Hi Thái hậu ăn trứng cũng có thể biển thủ được một số tiền lớn như vậy. Do đó, không khó để đoán trước được số phận cuối cùng của triều đại nhà Thanh vào đầu thế kỷ 20.