Trong năm ngàn năm lịch sử của Trung Quốc, có rất nhiều tham quan ô lại, nhưng có lẽ không có mấy người vượt mặt được Hoà Thân.
Nhân vật lịch sử này không chỉ tham ô trắng trợn mà đáng chú ý hơn cả là, dẫu biết bề tôi làm càn, Hoàng đế Càn Long khi đó vẫn ra sức bênh vực và bảo vệ công khai, nhiều lần mở đường sống chứ tuyệt nhiên không hề động đến ông ta.
Rốt cuộc vì lý do gì mà Hòa Thân lại có thể nhận được đặc ân đó từ Càn Long, hay nói một cách khác, Càn Long làm như thế là có mục đích gì?
Sau Khang Hy, Càn Long là vị Hoàng đế tiếp theo, trị vì nhà Thanh liên tục hơn sáu mươi năm.
Trong thời gian Càn Long cầm quyền, chỉ cần là nhân tài sẽ đều được ông sử dụng, bất kể xuất thân của người ấy ra sao.
Thậm chí ngay cả người từng bị lưu đày như Kỷ Hiểu Lam hay người thường xuyên cãi lại Hoàng đế như Lưu Dung cũng đều nhận được sự tán thưởng của Càn Long. Tất nhiên, Hoà Thân cũng nằm trong số đó.
Càn Long là Hoàng đế nắm thực quyền lâu nhất trong lịch sử Đại Thanh, có thể nói Hoà Thân trưởng thành dưới vây cánh của ông.
Năm 23 tuổi Hoà Thân đã giữ chức Đại thần Quản khố, ông ta học được năng lực quản lý tài chính nhờ công việc này, giúp lượng hàng trong kho dự trữ ông quản lý tăng lên rất nhiều.
Hơn nữa khả năng ngoại ngữ thiên bẩm cũng đã giúp Hoà Thân đạt được thành tựu rất to lớn về mặt ngoại giao.
Hoà Thân còn làm việc vô cùng khéo léo và ổn thoả, chưa cần đợi Càn Long sai bảo đã giải quyết tốt được mọi việc. Hoà Thân không hề dám mơ tưởng đến ngai vàng, chỉ mong có được sự tín nhiệm của Hoàng đế.
Với một tham quan có thể giúp quốc khố trở nên dư dả, còn biết giải quyết công việc, Càn Long có thể nói đã áp dụng thành công nghệ thuật dùng người học được từ Khang Hy lúc còn nhỏ.
Mỗi lần Hoàng đế có việc giao cho Hoà Thân, ông ta đều hoàn thành rất xuất sắc, đôi khi hai vua tôi còn cùng nhau đàm luận vấn đề hệ trọng của triều đình.
Hòa Thân cũng là kẻ biết đoán ý của người khác, nói được nhiều lời khiến Hoàng đế cảm thấy xuôi tai. Bởi vậy nên ông ta được sủng ái cũng là điều dễ hiểu.
Chắc chắn Càn Long biết Hoà Thân tham lam, nhưng không giết ông ta, bởi vì Càn Long cho rằng đó không phải khuyết điểm lớn.
Đó cũng là lý do vì sao trước khi qua đời, Càn Long đã dặn con trai mình là Gia Khánh đừng vội giết Hoà Thân. Nhưng bản thân Gia Khánh ghét nhất là tham nhũng, vì thế lên nắm quyền chưa được bao lâu, vị Hoàng đế này đã ban cho Hoà Thân cái chết toàn thây.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Gia Khánh đã cảm thấy hối hận vì hành động của mình.
Sau khi Hoà Thân qua đời, trên triều không một ai có được sự quyết đoán giống như Hòa Thân nữa. Khi gặp phải vấn đề lớn, cũng chẳng có ai đứng ra gánh vác trách nhiệm.
15 năm sau, có một sử quan biên soạn một cuốn sách liên quan đến Hoà Thân. Để hùa theo ý Gia Khánh, ông ta viết vô cùng tệ về Hoà Thân, mọi việc tham ô hối lộ đều được liệt kê ra, nhưng sau khi đọc xong cuốn sách này Gia Khánh đã vô cùng tức giận.
Ông đã nói với sử quan rằng: "Hoà Thân không phải cái gì cũng sai". Chính vào lúc này, Gia Khánh mới hiểu tại sao Càn Long lại dặn ông đừng giết Hoà Thân. Trước năng lực của Hoà Thân, lòng tham của ông ta hoàn toàn không đáng để nhắc đến.